Tôm càng đỏ đã nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, do hung dữ nên bị cấm

Sự kiện: Kinh Doanh

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản –Bộ NNPTNT), cho biết, loài tôm càng đỏ đã từng được nghiên cứu, nuôi thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2002 nhưng do tính chất hung dữ của nó nên đã bị cấm nuôi.

Đã từng nuôi thử nghiệm

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, tôm càng đỏ, tôm hùm đất là những loài ngoại lai vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần phát tán ra ngoài môi trường sẽ đe dọa phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nên cần có biện pháp ngăn chặn, diệt trừ.

Đối với loài tôm càng đỏ, thực tế, từ tháng 5/2002, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã nhập và nuôi thử nghiệm tại Việt Nam nhưng kết quả cho thấy những tác hại khủng khiếp của chúng với đa dạng sinh học nên năm 2004, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NNPTNT) đã cấm nuôi loài tôm này. Năm 2017, có một số hộ dân ở Đồng Tháp lén lút nuôi để xuất sang Trung Quốc, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo tiêu hủy và xử lý nghiêm.

Tôm càng đỏ đã nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, do hung dữ nên bị cấm - 1

Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho rằng, cần tăng mức xử phạt các đối tượng buôn lậu tôm càng đỏ để đảm bảo tính răn đe. Ảnh: I.T

Đối với loài tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất), năm 2006 loài này cũng được nhập về Việt Nam từ Trung Quốc để nuôi thử nghiệm diện hẹp. Năm 2008, Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài khoa học về loài tôm này, nuôi thử nghiệm tại 3 tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam. Tuy nhiên, kết quả cho thấy loài tôm này mặc dù có giá trị kinh tế nhưng ăn tạp và có tập tính đào hang sâu, nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp nên việc nuôi loài tôm này dừng tại đó.

"Ở những nước đã từng nuôi loài tôm này, họ đều phải quy hoạch vùng nuôi khép kín, thực hiện các biện pháp để tôm không phát tán ra môi trường bên ngoài. Nhưng những báo cáo cho thấy, việc tác động đến môi trường của loài tôm này cực kỳ khủng khiếp. Trong điều kiện quy mô sản xuất của Việt Nam còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát, việc để lọt đối tượng này ra môi trường có thể là một đại họa" - ông Hùng khẳng định.

Tôm càng đỏ (redclaw cray fish) có nguồn gốc từ Australia, Papua New Guinea sau đó lan ra nhiều quốc gia. Loài tôm này có kích thước lớn, vỏ cứng, nhẵn bóng, có màu xanh rêu điểm một số vạch màu đỏ trên lưng.

Loài này có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau, từ vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt; môi trường sống ưa thích là những nơi có dòng chảy chậm.

Chúng thường ẩn nấp trong các hang hốc, rễ cây thủy sinh lớn ven bờ; là loài ăn tạp, thức ăn gồm các loại thực vật, động vật, mùn bã hữu cơ, đôi khi có thể ăn thịt lẫn nhau. Chúng có thể đào hang sâu tới 2m, phá hủy kênh mương, thủy lợi nên được xếp vào 100 loài nguy hiểm nhất trên thế giới.

Tôm càng đỏ đã nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, do hung dữ nên bị cấm - 2

Loài tôm càng đỏ từng được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam nhưng do sự hung dữ của nó nên đã dừng lại. Ảnh: I.T

Tôm hùm nước ngọt (redswam) còn gọi là tôm hùm đất cũng có những đặc điểm về hình thái giống tôm càng đỏ. Loài có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, sau đó phát triển ra nhiều khu vực. Loài này có màu đỏ sẫm, sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm, chúng có thể đào hang trú ẩn sâu từ 1 -2m; sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn, chịu được nhiệt độ từ 0 – 37 độ C.

Đây là động vật ăn tạp thiên về thực vật, thức ăn bao gồm mùn bã hữu cơ, chế phẩm của ngũ cốc; cỏ, rong, tảo, ấu trùng động vật đáy, động vật thủy sinh…

Tôm hùm đất được xác định là loài xâm hại nguy hiểm, chúng nhanh chóng thiết lập quần đàn trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống; xâm lấn ảnh hưởng đến loài bản địa; lây bệnh dịch; làm giảm nguồn lợi thủy sản.

Do thích đào hang sâu nên có thể làm hỏng hệ thống tưới tiêu, đê bao, hồ chứa, kênh mương, phá hoại lúa (ghi nhận tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ); nó có thể cắt lúa khi chúng đi qua.

Con số nhập lậu có thể lớn hơn báo cáo?

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ ngày 1/5 – 22/5, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 945kg tôm hùm nước ngọt. Cụ thể, ngày 12/5, Bộ đội biên phòng Lào Cai phối hợp với Hải quan cửa khẩu Lào Cai bắt được 300kg tôm hùm nước ngọt; tiếp đó, từ 13/5 đến 20/5, lực lượng chức năng bắt giữ được 645kg tôm, vận chuyển qua sông, đường mòn, trong đó chỉ có 75kg tôm có chủ, còn lại các đối tượng đều đã bỏ chạy.

Tại Hà Nội, qua kiểm tra thực tế tại 19 chợ có kinh doanh sản phẩm thủy sản, 25 cơ sở kinh doanh thủy sản cho thấy không phát hiện cơ sở nào kinh doanh tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt. Hiện nay, việc kinh doanh, tiêu thụ chủ yếu thông qua mạng xã hội nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, điều ông Hùng lo ngại là con số nhập lậu tôm hùm vào Việt Nam thực tế có thể lớn hơn nhiều. Vì vậy, theo ông Hùng, giải pháp cần thiết lúc này là tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Vụ việc bắt giữ 75kg tôm càng đỏ nhập lậu, đối tượng bị bắt chỉ bị phạt hành chính 1,5 triệu đồng, con số quá ít ỏi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng kiểm soát việc nhập lậu qua biên giới; xây dựng kế hoạch kiểm soát, cô lập và diệt trừ; tăng cường kiểm soát tại các chợ. Tuyên truyền, phổ biến về cách phân biệt và tác hại của loài này với môi trường để người dân không sử dụng; tuyên truyền cho các nhà hàng, quán ăn không sử dụng loài tôm này trong chế biến; nếu phát hiện cần báo cho lực lượng chức năng để xử lý.

Lo ngại: 7 ngày bắt 7 vụ buôn lậu gần 1 tấn tôm càng đỏ

Chỉ trong vòng một tuần, lực lượng hải quan và biên phòng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ, thu gần 1 tấn tôm càng đỏ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thơ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN