Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng phức tạp

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thực tế đấu tranh cho thấy, tình hình buôn lậu ngày càng có diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi...

Ngày 16/12, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã công bố kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2015. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp. Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, tính đến ngày 15/11, gần 187.000 vi phạm về gian lận thương mại và hàng giả đã được xử lý, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014.

Lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ gần 9.200 vụ việc, thu ngân sách hơn 117 tỷ đồng, khởi tố 395 vụ; bộ đội biên phòng xử lý gần 2.300 vụ, thu ngân sách hơn 16 tỷ đồng, khởi tố 643 vụ; cảnh sát biển xử lý 197 vụ, thu ngân sách hơn 62 tỷ đồng, khởi tố 58 vụ.

Đánh giá về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến mới. Các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Vi phạm chủ yếu là hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng phức tạp - 1

Ảnh minh họa.

Tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang..., có các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ diễn ra tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm và sản phẩm của gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại.

Trên các vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và vùng biển Tây Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu nổi lên là tình trạng buôn lậu xăng, dầu, than, quặng, gỗ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại.

Tại các cảng biển quốc tế như Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, đáng chú ý là hoạt động buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là sản phẩm của động vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng.

Trên các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng có giá trị kinh tế lớn và các loại hàng hóa có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao vẫn còn xảy ra.

Đặc biệt, các địa bàn trọng điểm gồm: Kho hàng nội địa Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chuyển phát nhanh Fedex, DHL, bưu điện trung tâm TP. Hồ Chí Minh, nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài…

“Tính đến ngày 15/11, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ việc vi phạt, tăng 6,47 % so với cùng kỳ năm trước, khởi tố gần 1.123 vụ với hơn 1.281 đối tượng,” ông Nguyễn Văn Cẩn dẫn chứng số liệu.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, thực tế đấu tranh cho thấy, tình hình buôn lậu ngày càng có diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động để vi phạm.

Tổng kết của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường tập trung vào các mặt hàng với lợi nhuận cao như: ma túy, pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm và sản phẩm của gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là sản phẩm của động vật hoang dã, thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng...

Trong nội địa, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, cũng như uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết sẽ có một đợt cao điểm trước Tết nhằm kiểm soát ngăn chặn tình trạng tình trạng nhức nhối trên.

Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ mạnh tay kiên quyết “xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn lậu.”

Năm 2016, bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ thành lập các Đoàn kiểm tra nắm tình hình tại các địa phương, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, qua đó rà soát công tác điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp, trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trước mắt triển khai các đoàn kiểm tra công tác tăng cường đấu tranh trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Bính Thân 2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN