Tín hiệu tốt cho thị trường hàng không

Mô hình hợp tác công - tư (PPP) đầu tư xây dựng hạ tầng đã và đang được áp dụng hiệu quả ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, PPP đang được nghiên cứu áp dụng tại một số dự án giao thông, trong đó có phát triển sân bay. Bên cạnh vướng mắc về cơ chế, chính sách, một vấn đề đặt ra là phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước.

Mới đây, Tập đoàn Phát triển sân bay ADC&HAS (Mỹ) cùng Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo "Mô hình cùng đầu tư và khai thác sân bay". Đây không phải lần đầu tiên có DN nước ngoài đến Việt Nam "chào hàng" sản phẩm đầu tư phát triển sân bay. Điều này khẳng định, thị trường hàng không nước ta có tiềm năng rất lớn. Ông Jorge Roberts, Giám đốc Phát triển kinh doanh của ADC&HAS cho biết, dự báo trong hai thập kỷ tới, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng không lớn nhất thế giới. Trong khu vực này, ADC&HAS đã và đang quan tâm nhiều tới 5 quốc gia gồm: Hàn Quốc, Phillippines, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam. Vấn đề đáng quan tâm, hiện nay là các sân bay nước ta thường dùng chung giữa quân sự và thương mại. Tuy nhiên, Giám đốc Phát triển kinh doanh của ADC&HAS tại Việt Nam Nguyễn Vũ Michael khẳng định, dù đầu tư nhưng các hoạt động quân sự diễn ra tại sân bay dùng chung sẽ được bảo đảm, dựa trên cơ sở đàm phán, ký hợp đồng chặt chẽ.

Chuyện phân chia quản lý, khai thác và lợi ích tại các sân bay giữa Nhà nước và nhà đầu tư sẽ phải đàm phán nhiều.

Tín hiệu tốt cho thị trường hàng không - 1

Trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay, cần kêu gọi cả vốn của các nhà đầu tư cho xây dựng, phát triển khu bay.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, lợi nhuận lớn nhất tại các sân bay là phần kinh doanh thương mại, dịch vụ tại nhà ga. Các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, quản lý khai thác nhà ga nếu khu bay (đường băng, đường lăn, bãi đỗ, đèn dẫn…) đã được Nhà nước đầu tư. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay, cần kêu gọi cả vốn của các nhà đầu tư cho xây dựng, phát triển khu bay. Chi phí cho đầu tư khu bay rất tốn kém. Ví dụ như, đầu tư cho sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến khoảng 6 tỷ USD, thì chi phí cho khu bay chiếm khoảng 1/3. Đầu tư phát triển sân bay rất tốn kém và chỉ các nhà đầu tư nước ngoài với nguồn lực tài chính mạnh mới quan tâm. Trước đây cũng có DN của Singapore quan tâm tới việc đầu tư phát triển sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế), nhưng thời gian gần đây lại im lặng. Giám đốc Phát triển kinh doanh của ADC&HAS tại Việt Nam Nguyễn Vũ Michael cho rằng, để hợp tác hiệu quả, cần có khung pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư có năng lực, hợp đồng ràng buộc trách nhiệm cụ thể và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước với nhà đầu tư.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, muốn vào thị trường Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt ở thời điểm khó khăn về vốn hiện tại. Có thể Nhà nước sẽ phải chấp nhận chia sẻ một số quyền lợi để đổi lại sự phát triển KT-XH chung, nhưng không vì thế mà chấp nhận thiệt thòi quá mức. Thị trường hàng không Việt Nam có tiềm năng lớn, thêm vào đó là nền chính trị, xã hội ổn định. Đây là những ưu thế rất lớn để thu hút, kêu gọi đầu tư và cần phải khẳng định rõ lợi thế, vị thế này trên bàn đàm phán. Các cơ quan chức năng cũng cần chủ động, tích cực hơn trong xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý, tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư có lợi nhất, thay vì thụ động chờ đợi vào đề xuất của nhà đầu tư. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức (Hà Nội mới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN