Tìm thị trường cho thịt sạch

Đã có nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi sạch. Tuy nhiên, hiện các trang trại vẫn phải bán thịt sạch theo cách “cào bằng” ra thị trường do đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Thịt sạch bán cho thương lái

Đầu tư tiền tỷ vào việc xây dựng chuồng lạnh với hệ thống làm mát, làm sạch, máng ăn tự động…, đồng thời nhập khẩu con giống từ nước ngoài với năng suất cao, đến năm 2012, HTX Chăn nuôi an toàn Tiên Phong là một trong những đơn vị chăn nuôi đầu tiên của cả nước đạt chứng nhận VietGAP.

Tìm thị trường cho thịt sạch - 1

Nuôi heo theo tiêu chuẩn sạch nhưng hầu hết các trang trại vẫn phải bán sản phẩm cho thương lái. Ảnh: Thuận Hải

Thế nhưng, khi được hỏi về đầu ra của sản phẩm, ông Nguyễn Hữu Chí – Chủ nhiệm HTX cho biết, đơn vị này vẫn phải bán sản phẩm ra thị trường thông qua thương lái, sản phẩm heo VietGAP do đó lẫn lộn với các loại thịt heo thông thường khác.

“Mỗi ngày HTX bán ra khoảng 100 con heo thịt. Thương lái tới coi heo, ngã giá, được thì bán thôi! Chúng tôi nuôi heo VietGAP nhưng phải chấp nhận bán cho thương lái vì chưa tìm được kênh tiêu thụ riêng”- ông Chí than thở.

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, với mục tiêu xây dựng được chuỗi cung cấp thịt sạch cho người tiêu dùng, hơn 50 hộ chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã hợp tác với nhau, cùng xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn, gồm các tiêu chí như không sử dụng chất cấm, hạn chế tối đa việc dùng kháng sinh, chăn nuôi an toàn với một số bệnh dịch như dịch tả, tai xanh…

Dự án được xây dựng trong lúc ngành chăn nuôi các tỉnh Đông Nam Bộ phải đối mặt với những thông tin về chất cấm, chất tăng trọng, heo bơm nước… nên được nhiều hộ chăn nuôi hưởng ứng. Tuy nhiên, cái khó của chương trình vẫn là đầu ra, khi tới nay, vẫn chưa có kênh tiêu thụ khả thi nào cho sản phẩm heo sạch Đồng Nai.

“Chúng tôi làm việc với rất nhiều đầu mối, đi quảng cáo sản phẩm khắp nơi nhưng chỉ mới vài đơn vị hợp tác tiêu thụ, số lượng lẻ tẻ không đáng kể. Trong khi đó, bà con chăn nuôi muốn hợp tác tạo ra chuỗi cung ứng thịt sạch với số lượng lớn”- ông Đoán nói.

Cũng tại Đồng Nai, Ban quản lý dự án Lifsap Đồng Nai, cho biết, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thiết lập được 3 vùng chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) tại các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh. Có tổng cộng 52 nhóm với hơn 1.000 hộ chăn nuôi tham gia áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn.

Bên cạnh hỗ trợ chăn nuôi an toàn, dự án cũng đã hỗ trợ lắp đặt được 610 hầm biogas, giúp giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm của những hộ chăn nuôi này vẫn phải bán thông qua kênh thương lái, lẫn lộn với thịt heo thông thường.

Lận đận tìm thị trường

Theo đánh giá, việc hình thành chuỗi cung ứng thịt sạch là cần thiết trong bối cảnh chăn nuôi trong nước bị bao vây bởi các thông tin như sử dụng chất cấm, thịt bơm nước… Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng cũng như hệ thống phân phối chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến việc tìm kênh tiêu thụ cho thịt sạch gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết, để tìm kênh tiêu thụ cho heo VietGAP của HTX Tiên Phong, ông và các hộ chăn nuôi trong HTX liên tục tìm kiếm đối tác, bàn các phương hướng hợp tác tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn chưa có kết quả. Hơn nữa, để tạo ra sản phẩm thịt sạch từ chuồng trại đến bàn ăn, phải đảm bảo các tiêu chuẩn sạch trong cả ba khâu, gồm sản xuất, giết mổ và phân phối.

Trong khi đó, TP.HCM hiện chưa có cơ sở giết mổ đạt chuẩn VietGAP, do đó, ông Chí cho rằng, nếu có tìm được đầu mối tiêu thụ mà không giải quyết được vấn đề giết mổ thì mọi nỗ lực cũng coi như công “dã tràng se cát”.

  Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết thêm, địa phương này cũng đang có kế hoạch xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, là nơi giới thiệu, bày bán các sản phẩm thực phẩm sạch của thành phố và các tỉnh lân cận.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuận Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN