Tìm “danh phận” cho cây ca cao: 10 năm lận đận

Ca cao có thị trường tiêu thụ tốt, nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng tại Việt Nam thì ngành hàng này vẫn tồn tại và hoạt động rất phập phù, thiếu sự đầu tư thích đáng. Làm thế nào để ca cao trở thành mặt hàng xuất khẩu thực sự bền vững?

Sau gần 10 năm khởi động trồng trên quy mô lớn, diện tích ca cao cả nước mới đạt hơn 22.000ha (quy hoạch đến năm 2020 là 60.000ha), tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL, sản lượng trên 4.000 tấn. Cũng do sản lượng quá thấp nên mặt hàng này mới xuất thô là chính.

Nông dân lúng túng

Theo tìm hiểu của phóng viên, tỉnh Đăk Lăk hiện có xấp xỉ 2.000ha ca cao, với vài nghìn hộ tham gia. Một số bà con cho biết, do đây là loại cây hoàn toàn mới mẻ nên phải tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc. Thậm chí có hộ mang cây về trồng nhưng chẳng hề biết trồng thế nào, bán quả ở đâu... Với những mô hình đơn lẻ, nông dân gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.

Điều tra của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho thấy, trong tổng số hơn 22.000ha ca cao của cả nước thì chỉ có 30% diện tích trồng đúng kỹ thuật; 30% ít chăm sóc đầu tư; 70% vườn có quy mô dưới 1ha; 75% số hộ thiếu thông tin về cây giống… Vì những khó khăn, bất cập đó, cũng dễ hiểu khi thi thoảng ở một số nơi bà con lại đốn bỏ ca cao để chuyển sang trồng cây khác.

Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, tổng diện tích ca cao bị chặt bỏ khoảng 3.000ha. Tuy nhiên, việc đốn bỏ chủ yếu xảy ra ở những diện tích trồng ở nơi khô hạn, cây kém phát triển, nhiễm sâu bệnh nặng hoặc ít đầu tư chăm sóc. Ngoài ra còn có một số diện tích ca cao chết do nhiễm mặn (Bến Tre chết hơn 500ha).

Tìm “danh phận” cho cây ca cao: 10 năm lận đận - 1

Chăm sóc ca cao tại xã Yan Tao, huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk)

Cũng do nhiều vườn ca cao vẫn đang trong thời gian kiến thiết (sau 3 năm trồng mới cho quả bói), sản lượng trái thấp nên bà con rất dễ dao động khi vườn cây gặp sâu bệnh, hoặc giá cả lên xuống. Điển hình như năm 2013, việc đốn bỏ ca cao tập trung nhiều dịp tháng 5 – 8 do lúc đó giá thu mua ca cao xuống thấp, chỉ còn 35.000 – 38.000 đồng/kg hạt khô lên men, trong khi một số cây trồng khác như bưởi, cà phê lại được giá. Thực tế là từ tháng 9 đến nay, khi giá ca cao đạt 52.000 – 55.000 đồng/kg thì hiện tượng chặt bỏ gần như không còn.

Anh Lê Văn Tráng - nông dân xã Ea Kênh, huyện Krông Buk (Đăk Lăk) cho biết: Trồng ca cao khó nhất vẫn là kỹ thuật. Mặc dù chi phí đầu tư thấp hơn cà phê, thu nhập ổn định hơn, nhưng ca cao chưa phải là cây trồng hấp dẫn, nhiều người bị lúng túng trong quá trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... Bản thân tôi đã trồng ca cao gần chục năm nhưng vẫn phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Làm đúng là trúng!

Tuy nhiên, trong khi một số hộ thất bại với cây ca cao, phải chặt bỏ vì bệnh tật, khô hạn thì cũng có rất nhiều người khấm khá nhờ loại cây này. Ông Thái Xuân Quang- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ ca cao xã Ea Sar (huyện Ea Kar, Đăk Lăk) phản ánh: Không rõ ở đâu chặt bỏ ca cao, chứ tại HTX chúng tôi không có hiện tượng này. Các vườn ca cao đều phát triển tốt, với khoảng 150ha đang cho kinh doanh và 200ha trồng mới, dự kiến năm 2013 sản lượng đạt 80 tấn hạt khô.

Cũng theo ông Quang, hiện HTX có 10 đội sản xuất, với trên 400 thành viên, trong đó nhiều hộ trước đây cũng thuộc diện nghèo khó. Chỉ sau mấy năm trồng ca cao ngay trên những mảnh đất cằn cỗi, nhiều hộ đã ổn định cuộc sống. Ông Hồ Sỹ Tịnh ở thôn 1, xã Ea Sar, với 1,5ha ca cao trồng xen điều, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi 70 – 80 triệu đồng. Hiện ca cao mới đạt 3-5 năm tuổi, khi cây trưởng thành chắc chắn thu nhập sẽ cao nữa”.

Ông Phan Văn Khổng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bến Tre cho biết: Nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, ca cao sẽ cho thu nhập tương đương các cây trồng chính. Vì vậy, tỉnh rất có niềm tin vào loại cây này và đã ban hành chính sách hỗ trợ 40% giá giống cho nông dân. Năm 2013, số lượng ca cao bà con đăng ký trồng mới đạt hơn 40.000 cây (tương đương 80ha).

Theo ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk: Ca cao lúc đầu được xem là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng càng làm mới thấy đây là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao. Không như cà phê cứ đến kỳ là tưới, rồi thu hoạch hàng loạt, mà ca cao phải thường xuyên chăm sóc, tỉa cành vì rất dễ bị sâu bệnh, gây thối trái; thời gian thu hoạch cũng kéo dài 6-7 tháng. Chỉ cần đầu tư kỹ thuật, thời gian chăm sóc, năng suất đạt bình quân 2kg hạt khô/cây thì bà con sẽ nắm phần thắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Huệ (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN