Tìm cách “giải cứu” đường tồn kho

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại lượng đường tồn kho lên tới 390.000 tấn, đây là mức kỷ lục từ trước tới nay. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ có nhiều nhà máy đóng cửa và nông dân sẽ khốn đốn.

Giá giảm, đường tồn kho vẫn lớn

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng đã có 40 nhà máy đường đi vào sản xuất. Các nhà máy đã ép 8.969.000 tấn mía, thu được 784.530 tấn đường, tăng 1.387.000 tấn mía và 148.330 tấn đường so với cùng kỳ năm trước. Với lượng cung dồi dào và giá đường thế giới vẫn ở mức ổn định nên giá đường trong nước thời gian từ nay tới hè vẫn có xu hướng giảm nhẹ. Nguyên nhân dẫn đến lượng cung dồi dào, theo ông Hà Hữu Phái - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam là hai năm qua, các DN sản xuất mía đường có lãi nên đã đầu tư mở rộng sản xuất, nông dân mở rộng diện tích trồng mía, mía được mùa. Năm nay nhu cầu sử dụng đường cho sản xuất thực phẩm giảm khá mạnh, ước tính khoảng 15 – 20%.

Tìm cách “giải cứu” đường tồn kho - 1

Giá giảm, đường tồn kho vẫn lớn. Ảnh: Hoàng Long

Hạn ngạch nhập khẩu 73.500 tấn đường trong năm 2013 càng khiến áp lực tồn kho nặng nề thêm. Nhiều nhà máy đường đang rơi vào bế tắc, dù giảm giá song tiêu thụ vẫn rất chậm. Do vậy, tính đến thời điểm này lượng đường tồn kho lên tới gần 400.000 tấn, đã nâng mức kỷ lục hàng tồn kho lên mức cao nhất từ trước tới nay. Nếu tình trạng này kéo dài, DN sẽ hạ giá mua mía của nông dân. Bài toán tồn kho đường này không giải quyết được sẽ dẫn đến một hệ lụy là các nhà máy không có vốn để sản xuất, không có tiền trả nợ cho nông dân và nông dân sẽ không còn vốn để tiếp tục duy trì trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy.

Nhìn ở một góc độ khác, thế giới 2 năm qua đều được mùa mía, lượng đường sản xuất lớn. Dự báo, năm 2013, thế giới sẽ dư thừa gần 9 triệu tấn đường. Trong khi đó, các nước xung quanh Việt Nam được quy chế xuất đường tự do, trong đó có Thái Lan, đã dẫn đến một lượng đường lớn giá rẻ từ biên giới Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam đã góp phần đẩy nguyên nhân hàng tồn kho trong nước tăng cao.

Xuất tiểu ngạch

Hiệp hội Mía đường Việt Nam tính toán, với số lượng đường tồn kho đến thời điểm hiện tại gần 400.000 tấn, nếu cơ quan chức năng vẫn không kiểm soát hết đường lậu thì chắc chắn nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Việc các nhà máy đường phải đóng cửa đã được nhiều chuyên gia dự báo sau khi Việt Nam mở cửa thị trường đường. Cả nước có hơn 40 nhà máy đường, hầu hết có công suất thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của thế giới (trên 8.000 tấn mía/ngày), chưa kể việc tận dụng hết giá trị sản phẩm sau đường còn bỏ trống; khâu quản lý còn yếu kém, diện tích trồng mía manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, trữ đường thấp nên việc cạnh tranh hầu như ngoài tầm với của nhà máy. Trước tình trạng lượng đường tồn kho lên tới mức kỷ lục từ trước đến nay, Hiệp hội Mía đường đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn đường giá rẻ Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cấp phép cho các DN xuất khẩu đường trên cơ sở số lượng vài chục nghìn tấn bằng con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, ngành mía đường Việt Nam không chỉ trông chờ vào giải pháp "cứu” của Chính phủ, mà phải nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm với hàng nhập lậu, tiến tới xuất khẩu chính ngạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Trang (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN