Tiểu thương thấp thỏm mùa Tết

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thời điểm này, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng bánh, kẹo, mứt bắt đầu lên đơn, trữ hàng bán Tết. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều chợ tại TPHCM chưa hoạt động trở lại, đơn vị sản xuất đứt nguồn nguyên liệu ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn hàng phục vụ Tết 2022.

Bà Hương Xuân - tiểu thương quầy bánh kẹo chợ Bến Thành lo mất mùa tết năm nay. Ảnh: U.P

Bà Hương Xuân - tiểu thương quầy bánh kẹo chợ Bến Thành lo mất mùa tết năm nay. Ảnh: U.P

Không dám trữ hàng

Trưa 22/10, tại chợ Bến Thành (quận 1), lác đác một vài quầy sạp bánh mứt lau dọn để chuẩn bị kinh doanh trở lại. Vừa giới thiệu một số loại hạt điều, mắc-ca, tôm khô…, bà Hương Xuân, chủ quầy thực phẩm Hương Xuân cho biết, đây đều là sản phẩm còn lại trước giãn cách, chưa có hàng mới. “Một số đại lý, nhà sản xuất đã bắt đầu chào hàng các loại bánh kẹo, mứt Tết nhưng tôi đang chần chừ chưa dám nhận.

Mùa Tết năm 2021, mãi lực chợ đã giảm 50%. Trong khi năm nay dịch bệnh kéo dài, sức mua chắc chắn còn giảm hơn. Thời gian qua, tôi chủ yếu bán online nhưng cũng không nhiều khách. Lượng khách du lịch, khách mua gửi đi nước ngoài… đã giảm rất nhiều. Mùa Tết này, tôi dự tính chỉ lấy hàng theo đơn đặt trước của khách chứ không trữ sẵn nhiều như trước”, bà Xuân bộc bạch.

Bà Ứng Thị Liên - Trưởng ngành hàng bánh kẹo, mứt chợ Bình Tây cho hay, giờ này mọi năm, tiểu thương đã ứng tiền đặt hàng các cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt để bán sỉ nhưng năm nay chưa cơ sở nào nhận. Thông thường, các cơ sở phải sản xuất ít nhất một tháng mới có thành phẩm, trong khi đầu tháng 11/2021 là chuẩn bị thị trường tết, nhưng giờ nhiều cơ sở báo họ không lấy được nguyên liệu me, mãng cầu… từ các tỉnh và cũng chưa biết khi nào có hàng.

“Giờ tôi chỉ bán những mặt hàng đã dự trữ từ trước chứ chưa có hàng mới. Tôi cũng chưa dự đoán được tình hình sắp tới sẽ như thế nào. Phần lớn tiểu thương ngành bánh kẹo, mứt xác định năm nay sẽ “đứt” mùa Tết. Hiện, tiểu thương mua tới đâu bán tới đó chứ không dám nhập hàng nhiều, cũng không có hàng để dự trữ. Trước đây, thời điểm này tôi đã đặt cả chục tấn hàng nhưng giờ chưa động tĩnh gì. Bạn hàng các tỉnh cũng chưa rục rịch tái khởi động”- bà Liên chia sẻ.

Tiểu thương ngành hàng quần áo, thời trang cũng chung tâm trạng lo âu vì dự đoán sức mua Tết sẽ rất thấp. Ông Tâm, tiểu thương ngành hàng quần áo thời trang chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân) cũng lo lắng: “Mở bán trở lại cho có việc làm chứ rất vắng khách mua. Do dịch bệnh, khách hàng đều thắt chặt chi tiêu, họ chỉ mua những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, còn quần áo, giày dép… đều ảm đạm”.

Đứt nguồn cung, giá tăng

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng nguồn hàng quần áo, bánh kẹo, mứt chuẩn bị cho thị trường Tết chậm hơn mọi năm là bởi hầu hết các cơ sở sản xuất bị thiếu nhân công, nhiều người về quê chưa lên lại và nguồn nguyên liệu bị đứt gãy do ảnh hưởng dịch.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ cơ sở bánh kẹo Quê Hương (quận Bình Tân) chuyên phân phối sỉ các mặt hàng bánh kẹo, mứt ở TP HCM và nhiều tỉnh lân cận cũng thông tin, các cơ sở sản xuất, gia công nhãn hàng riêng cho cơ sở của ông hiện vẫn trong tình trạng im lìm. Hầu hết chủ những cơ sở này đều gửi thông báo chưa nhập được nguyên liệu từ các tỉnh. Năm nay, cơ sở bánh kẹo Quê Hương dự tính kế hoạch đặt hàng cầm chừng, đạt khoảng 30% so với năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ sở này vẫn chưa nhận được đơn hàng nào.

Còn bà Ngô Thị Loan, chủ cơ sở mứt mãng cầu Loan (quận 12) cho hay, nguồn mãng cầu đứt hàng do không có người thu mua, vận chuyển. “Nhiều tỉnh vẫn khó khăn trong việc lưu thông như đòi lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, cách ly người vận chuyển khi đi đến các tỉnh khác; công nhân ở quê vẫn chưa tiêm vắc xin, việc thực hiện “3 tại chỗ” cũng khiến nhiều đơn vị thu mua, cung cấp nguyên liệu tạm ngưng hoạt động. Chi phí vận chuyển tăng cao do phí xét nghiệm, cách ly nên giá cả năm nay có thể tăng khoảng 20%” - bà Loan nói.

Ông Ngô Văn Hà - Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành cho rằng, một trong những khó khăn của tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, mứt là không thể nhập nguồn hàng mới để bán trong khi nhiều mặt hàng sắp hết hạn sau mấy tháng nghỉ bán, giãn cách.

Bà Lê Thị Thủy - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Tây nhìn nhận, phần lớn tiểu thương hiện nay đều e dè khi kinh doanh trở lại. Nếu việc thông thương giữa các tỉnh chưa thuận lợi, tiểu thương cũng không dám nhập hàng. Tình hình năm nay khó khăn, chắc chắn lượng hàng hóa nhập vào, bán ra tại chợ sẽ giảm. “Hiện chợ khuyến khích tiểu thương bước đầu chỉ bán buôn và theo hình thức online là chính”, bà Thủy cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Nông dân miền Tây ngao ngán khi giá phân bón tăng kỷ lục trong 10 năm

Nếu doanh nghiệp tăng giá quá cao thì ảnh hưởng nông dân, không tăng giá thì không phù hợp với cơ chế thị trường…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo UYÊN PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN