Tiểu thương mất ăn mất ngủ lo chạy hàng nông sản
Do tắc nghẽn một số lối thông quan cửa khẩu nên nhiều ngày nay, các tiểu thương mất ăn mất ngủ để lo "chạy hàng" nông sản.
Ghi nhận của Phóng viên Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe & Đời sống) vào những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, dọc đường Nguyễn Xiển (Tân Triều, Thanh Trì) ngập tràn cây cảnh như đào, quất và hàng nông sản.
Do nông sản bị tắt nghẽn tại các cửa khẩu nên chị Nguyễn Thị Dung (tiểu thương ở Tiền Giang) đã đưa 3 xe container về Hà Nội và một số tỉnh lân cận bán với giá rất rẻ để gỡ gạc vốn.
Do tắc nghẽn một số lối thông quan cửa khẩu nên nhiều ngày nay, chị Nguyễn Thị Dung (tiểu thương ở Tiền Giang) đã mất ăn mất ngủ để lo "chạy hàng" nông sản. Để gỡ gạc phần nào vốn liếng, chị Dung đã đưa hàng về Hà Nội bán thanh lý với giá rất rẻ.
Tại điểm bán bên đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội), để tiết kiếm tối đa chi phí bến bãi, dầu xe, vận chuyển và vốn, chị Dung đã tận dụng khoang container làm sạp hàng bán mít.
Ánh mắt chị Dung hiện lên sự mệt mỏi bởi đã gần 10 ngày nay, chị mất ăn mất ngủ lo chạy hơn 20 tấn hàng.
Chị Dung cho biết, mỗi xe container có khoảng 2.000 quả mít, tương đương khoảng 20 tấn hàng. Trong khi đó, giá bán thanh lý tại Hà Nội chỉ 10.000 đồng/kg, chưa bằng 1/3 so với giá xuất sang nước ngoài. Do đó, chị Dung xác định năm nay lỗ vốn.
Quầy hàng của chị Nguyễn Thị Dung tại mặt đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội).
"Nếu tính sơ thì năm nay, gia đình tôi lỗi từ 2-3 tỷ nhưng hàng không thông quan được, mà nếu mít chín cũng rất khó bán nên chúng tôi phải quay đầu, tìm hướng tiêu thụ để không phải đổ bỏ", chị Dung cho hay.
Theo chị Dung, mít xuất khẩu đều là hàng chất lượng. Trước khi đưa lên biên giới, mít được cắt đầu để kiểm định, nếu quả non, chưa chín hoặc lép múi sẽ bị loại bỏ. Sau kiểm định, mít được bọc các loại giấy màu khác nhau để phân loại kích thước, chất lượng và giá cả.
Mít Tiền Giang được bán thanh lý tại Hà Nội nhiều ngày nay.
Anh Đồng Văn Tùng đồng hành cùng chị Dung gần 10 ngày nay.
Cũng ngần ấy thời gian, đôi tay anh Tùng luôn đen đúa bởi liên tục bốc hàng từ 4h sáng đến nửa đêm.
Anh Tùng cho biết: "Mít chín hẳn sẽ rất khó tiêu thụ nên ngoài thời gian bán, xe container phải bật máy lạnh để bảo quản mít. Khi đã bật máy thì chi phí lại tăng thêm. Có thể mất thêm vài ngày nữa mới bán hết container mít nhưng rất may là người dân Thủ đô đã nhiệt tình mua hàng hỗ trợ gia đình tôi".
Trên mặt đường Tố Hữu (Trung Văn, Nam Từ Liêm), hàng tấn mít Thái cũng được bày bán la liệt.
Cận cảnh mít Thái Tiền Giang được các tiểu thương bày bán thanh lý trên nhiều tuyến đường Hà Nội.
Thay vì xếp trên container, anh Nguyễn Văn Định (43 tuổi, ở Tiền Giang) đã xếp mít xuống vỉa hè để khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Anh Định cho biết: "Buôn hơn 20 tấn mít xuất sang Trung Quốc nhưng đưa đến Lạng Sơn thì bị nghẽn biên nên đưa hàng về Hà Nội thanh lý là giải pháp cuối cùng chúng tôi phải làm để mong gỡ gạc phần nào vốn ban đầu".
Cũng theo anh Định, giá xuất khẩu từ 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng bây giờ, giá thanh lý cũng chỉ từ 10.000 - 13.000 đồng/kg.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, mít Tiền Giang đang bán thanh lý tại Hà Nội chủ yếu là hàng xuất khẩu, đảm bảo chất lượng, giá rẻ nên được nhiều người dân mua ủng hộ.
Nguồn: [Link nguồn]
Với nỗi lo “mất Tết”, ôm lỗ cả tỷ đồng khi có xe hàng xuất khẩu phải quay đầu do ùn ứ tại cửa khẩu không thông...