Tiểu thương chợ Đồng Xuân chê DN nội thua xa Trung Quốc

Các tiểu thương thẳng thắn, các doanh nghiệp trong nước phải học nhiều từ cách tiếp thị của thương nhân Trung Quốc.

Tại hội nghị đối thoại tổ chức sáng 19/8 các tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đều cho rằng, họ ủng hộ hàng Việt, nhất là sau tranh chấp biển Đông từ tháng 5. Song, nếu doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng trong nước không thay đổi tư duy tiếp thị hàng, không đưa ra chính sách bán và giá cả hàng hóa phù hợp hơn cho tiểu thương thì họ cũng đành … chào thua.

Trung Quốc làm được, tại sao doanh nghiệp Việt thì không?

Là lần gặp gỡ, đối thoại giữa DN sản xuất trong nước và tiểu thương chợ Đồng Xuân lần thứ 3 được tổ chức, nhưng, ông Nguyễn Ngọc Phan – chủ một quầy hàng chuyên bán đồ tạp phẩm tại chợ Đồng Xuân ngán ngẩm, “không hề có sự thay đổi nào trong suốt 3 năm qua, khi tỷ trọng hàng Việt vào chợ Đồng Xuân vẫn chẳng thấm vào đâu”.

Ông Phan băn khoăn về mẫu mã, giá cả và đặc biệt là DN sản xuất hàng Việt sẽ cạnh tranh ra sao với hàng Trung Quốc giá rẻ bèo, mẫu đẹp lâu nay vẫn “ngập” chợ.

Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại biển Đông, hàng Trung Quốc vào chợ đã bị hạn chế đi nhiều, để bù đắp lại thiếu hụt tiểu thương phải tìm nguồn hàng trong nước thay thế. Hàng lấy chủ yếu ở một số làng nghề, xưởng sản xuất nhỏ chứ gần như không thấy bóng dáng của DN sản xuất lớn trong nước.

Tiểu thương chợ Đồng Xuân chê DN nội thua xa Trung Quốc - 1

Các tiểu thương chợ Đồng Xuân không mấy mặn mà "nhập" hàng nội về bán 

“Không hiểu DN vướng ở đâu mà chưa mạnh dạn đưa hàng vào chợ, trong khi tiểu thương thì rất muốn có nhiều hàng Việt bán hơn nữa”- ông Ngọc, kinh doanh thực phẩm tại chợ Đồng Xuân buồn rầu và cho rằng, nếu các doanh nghiệp không nhanh và quyết liệt, thì tới đây thị trường nội địa sẽ biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa cho nước ngoài.

Tại cuộc giao lưu, câu hỏi đặt ra là, tại sao hàng Trung Quốc chất lượng không tốt nhưng vẫn bán được hàng? Trong khi hàng Việt rất tốt, bền mà lại bị “đánh bẹp” ngay tại thị trường nội địa? Bà Nguyễn Thị Dung – tổ trưởng tổ giày dép chợ Đồng Xuân cho hay, bởi thương nhân Trung Quốc họ rất “chiều” khách hàng. Lãnh đạo DN sẵn sàng trực tiếp sang nói chuyện với từng tiểu thương để tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của người Việt. Sau đó, về nước họ nghiên cứu và sản xuất theo đúng thị hiếu mà thị trường cần. Hàng bán rẻ và mẫu mã bắt mắt nên lượng hàng Trung Quốc tiêu thụ rất nhanh. Điều khiến bà Dung thấy lạ, là các doanh nghiệp Việt Nam không làm được, nhưng Trung Quốc lại làm được.

“Họ tiếp thị tới tận tay tiểu thương, nhập số lượng ít họ cũng bán. DN trong nước thì bắt mỗi lần nhập hàng phải vài ba trăm đôi giày dép mới cho, quầy hàng có vài ba mét vuông thì trữ vào đâu? Thanh toán thì bắt trả hàng ngay, trong khi vốn của tiểu thương chỉ vài chục triệu để xoay vòng” – bà Dung bức xúc.

Là người kinh doanh lâu năm ở chợ Đồng Xuân, bà Dung nói thẳng: “ Trung Quốc họ làm được mà chính DN trong nước lại không thể đưa hàng vào chợ truyền thống. Chúng ta đang kém hơn họ đấy, phải còn phải học ở họ nhiều”.

 “Không có DN ngành hàng thì tôi nói chuyện với ai?”

Theo thống kê của Công ty CP Đồng Xuân, hiện tại chợ Đồng Xuân có hơn 2000 hộ kinh doanh với gần 2.400 quầy hàng, tập trung vào 14 ngành hàng chính. Trong số đó riêng ngành vải sợi, quần áo đã chiếm tới 2/3 lượng quầy hàng. Với hy vọng sẽ kết nối được với DN kinh doanh ngành vải sợi tham dự hội nghị đối thoại sáng 19/8, bà Nguyễn Bích Liên – một chủ quầy kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Xuân tỏ ra thất vọng khi chỉ có một DN ngành này tham dự.

“Ngành quần áo, vải sợi tại chợ Đồng Xuân chiếm tới 2/3 số lượng hộ kinh doanh và quầy hàng, vậy mà chỉ có 1 DN thuộc ngành này đến dự hội nghị, thế thì đối thoại thế nào, nói chuyện với ai?” – bà Liên lên tiếng và cho rằng, “như vậy thì rất khó tìm được tiếng nói chung giữa DN và tiểu thương”.

Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng cho biết, hầu như các đầu mối giao hàng cho chợ Đồng Xuân đều hỗ trợ vốn, kí gửi hàng, hoặc giao hàng xong gối đầu đợt sau mới thanh toán tiền hàng đợt trước. Lượng hàng nhập và thanh toán rất linh hoạt chứ không mang tính bắt ép như hình thức mà hiện nhiều DN sản xuất trong nước đang áp dụng.

“Buôn bán lâu năm nhưng vốn của chúng tôi cũng chỉ vài trăm triệu đồng, quầy hàng thì có vài ba mét vuông, lấy đâu ra chỗ mà chứa hàng hóa nhiều. Chúng tôi chỉ bán tới đâu gọi hàng tới đó, và tiền hàng xoay nhanh cũng phải ít nhất nửa tháng mới có thể trả được. Có lẽ cũng chính vì thế mà DN trong nước họ không “khoái” khi đưa hàng vào chợ” – bà Đặng Thị Yến, kinh doanh hoa quả khô chia sẻ.

Do nhập hàng của các xưởng sản xuất nhỏ, làng nghề nên tiểu thương không thể có được giấy chứng nhận hàng hóa xuất xứ. Điều này khiến không ít bà con tiểu thương buôn bán ở chợ Đồng Xuân tỏ ra buồn nản mỗi lần phải giải trình với cơ quan thanh tra, quản lý.

“Mỗi ngày có khi tôi tiếp vài ba đoàn kiểm tra, quản lý thị trường… đoàn nào vào cũng đòi hỏi phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dù là hàng nội. Họ sản xuất nhỏ lẻ thì lấy đâu ra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc? Không chứng minh được thì đương nhiên hàng của chúng tôi bị liệt vào danh sách hàng lậu và bị tịch thu. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước nhưng vướng mắc của bà con lại không được cơ quan quản lý quan tâm, giải đáp”- bà Liên bức xúc.

Theo kinh nghiệm của tiểu thương này, DN Việt muốn vào được chợ truyền thống, nhất là chợ Đồng Xuân, thì phải tìm hiểu, nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng và có chiến lược, tư duy làm ăn lâu dài, chứ không thể “thích vào là vào, thích ra là ra như đi chợ” được.

Thừa nhận thực tế mà các tiểu thương “kêu” là đúng, ông Nguyễn Hữu Đức – Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên cho rằng, sự liên kết giữa DN sản xuất trong nước và các tiểu thương tại chợ truyền thống đang lỏng lẻo, nên khó “tìm được tiếng nói chung”. Để giải tỏa vướng mắc về chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ông Đức đề xuất, Bộ Công thương cần có cơ chế đặc thù riêng cho hàng Việt của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tiêu thụ tại chợ truyền thống để gỡ “vướng” cho cả người sản xuất, bà con kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN