Tiêu thụ vải thiều cực khủng vẫn nhờ xuất sang Trung Quốc

Sự kiện: Kinh Doanh

Vải thiều Lục Ngạn tiêu thụ qua hệ thống siêu thị Big C, Sài Gòn Co.op là hơn 240 tấn; trong khi xuất qua Trung Quốc gần 22.000 tấn. Bộ NNPTNT cho biết đến giờ này đã tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng.

Ngày 17/6, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội đã đi kiểm tra tình hình tiêu thụ vải ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Tiêu thụ vải thiều cực khủng vẫn nhờ xuất sang Trung Quốc - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm nay vải thiều rất được mùa. Đến giờ phút này chúng ta tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng. 

Bộ trưởng đánh giá rất cao tỉnh Bắc Giang đã chủ động cùng với bà con nông dân cùng các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức ngành hàng, tổ chức thương mại một cách rất bài bản.

Từ 25/5 đến 30/5, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã sang Trung Quốc để chủ động xúc tiến thương mại với các bạn hàng. Ngày 8/6 tỉnh Bắc Giang đã chủ động mời 26 tỉnh, thành phố của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh trọng điểm tiêu thụ lớn ở trong nước để tổ chức xúc tiến thương mại.

Qua đó thu hút rất nhiều doanh nghiệp vừa trực tiếp phân phối sản phẩm vải thiều, vừa trực tiếp thu mua để chế biến. Do đó, dù sản lượng năm nay tăng cao nhưng vẫn có được giá bán tốt.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, toàn huyện Lục Ngạn có 15.290 ha vải thiều; trong đó, diện tích sản xuất áp dụng theo quy trình VietGAP gần 11.500 ha; 200 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tiêu thụ vải thiều cực khủng vẫn nhờ xuất sang Trung Quốc - 2

Năm 2018, ước sản lượng vải thiều của huyện đạt trên 140.000 tấn. Tính đến hết ngày 16/6, tổng số lượng vải đã thu hoạch tiêu thụ là trên 41.000 tấn. Trong đó, số lượng vải tiêu thụ qua hệ thống siêu thị Big C, Sài Gòn Co.op là hơn 240 tấn; qua Trung Quốc gần 22.000 tấn; xuất sang thị trường Mỹ 1,1 tấn; Hà Lan 0,6 tấn; Úc 2 tấn; Nhật Bản 1,5 tấn...

Giá vải thiều ngày 15-16/6 từ 7.000-22.000 đồng/kg. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 464 điểm cân vải; có 152 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài việc tiêu thụ vải tươi, toàn huyện còn có 168 lò sấy vải, tập trung tại các xã: Quý Sơn, Phượng Sơn, Nam Dương, Trù Hựu; các doanh nghiệp chế biến như Công ty Nafood Nghệ An, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chủ yếu thu mua để ép nước.

Cũng trong chuyến thăm và làm việc với Bắc Giang, ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao cho biết, dự kiến doanh nghiệp sẽ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn vải cho huyện Lục Ngạn; trong đó, có 4.000 tấn xuất khẩu sang Nhật Bản, số còn lại sẽ xuất tươi và chế biến cho các thị trường Anh, Đức. Công ty hiện có trên 10 điểm thu mua sản phẩm để xuất khẩu tươi, đóng hộp, ép nước... Hiện công ty đang thu mua vải với giá từ 16.000 – 20.000 đồng/kg. 

Qua kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ vải tại Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, từ nay cho đến cuối vụ phải tập trung tối đa các giải pháp để tiêu thụ bằng được hết sản phẩm ở giá cả hợp lý nhất, phù hợp, có lợi cho bà con nông dân; chỉ đạo bà con nông dân tiếp tục bảo quản, chăm sóc sản phẩm; tiếp tục phối hợp xúc tiến thương mại.

Huyện Lục Ngạn cần tập trung vào các nhóm giải pháp từ các loại dịch vụ hỗ trợ như: nước đá, hộp xốp, giao thông, an ninh... để đảm bảo việc tiêu thụ thông suốt, có một mùa vải trọn vẹn- được mùa, được giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN