Tiêu thụ rau an toàn: Vướng đủ thứ

Hầu hết người tiêu dùng muốn chọn mua rau an toàn nhưng khó tìm địa điểm và chưa đủ niềm tin liệu đó có phải là rau an toàn hay không… Đó là những hạn chế khiến rau an toàn khó tiêu thụ.

Rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, được coi là "vựa" rau an toàn lớn của Hà Nội, tuy nhiên hầu hết người trồng rau an toàn nơi đây phải tự bươn chải để tiêu thụ. Ông Đặng Văn Phúc, ở đội 5A, thôn Trung Quan, xã Văn Đức, cho biết, sản xuất rau an toàn chi phí lớn hơn rau thường, công lao động cũng nhiều hơn song do người tiêu dùng chưa phân biệt được nên nhiều lúc rau an toàn rơi vào cảnh "ế ẩm".

Không ít hộ đã bỏ sản xuất. Trong hai năm (2011-2012) vừa qua, Vinastas đã tiến hành điều tra trên diện rộng tại hơn 10 thành phố, thị xã phía Bắc, kết quả, có đến 88% người tiêu dùng tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… không phân biệt được rau an toàn với các loại rau thường. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Vinastas, hiện trên thị trường có nhiều cửa hàng treo biển bán rau sạch nhưng thực tế rau có được sản xuất an toàn không thì khó có thể kiểm chứng. Trong khi đó, khái niệm về rau an toàn vẫn chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể.

Tiêu thụ rau an toàn: Vướng đủ thứ - 1

Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt

Thực tế, giá rau an toàn tuy cao hơn giá rau thường nhưng chưa đủ bù đắp chi phí thuê mặt bằng hay "chen chân" vào siêu thị. Đại diện Công ty TNHH Hương Cảnh, đơn vị đang đầu tư sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, cho biết, ngoài việc phân phối cho các đầu mối bán buôn, để có mặt trong các siêu thị, Công ty chỉ có thể tham gia bằng hình thức "ký gửi" bởi tiền thuê mặt bằng lớn. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư.

Hà Nội hiện có 58 cửa hàng, điểm bán rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50 đến 120kg/cửa hàng/ngày. Ngoài ra, có 35 siêu thị đang tiêu thụ rau an toàn, sản lượng từ 80 đến 200kg/siêu thị/ngày. Dự kiến, Hà Nội sẽ mở thêm 25-30 điểm bán rau an toàn trong nội thành. Về phía các doanh nghiệp (DN), đã có 15 DN, 25 HTX đang tham gia sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm rau an toàn; bên cạnh việc gắn nhãn nhận diện, từ tháng 9-2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tiếp tục chỉ đạo việc triển khai dán tem nhận diện rau an toàn Hà Nội cho sản phẩm bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ... Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa đủ mạnh để người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể tham khảo trên "Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn" của Hà Nội để nắm thêm thông tin.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, so với các hệ thống tiêu thụ rau củ quả thông thường, hệ thống tiêu thụ rau an toàn tại các tỉnh chỉ chiếm số lượng nhỏ. Ngoài ra, không ít điểm bán rau an toàn hoạt động kém hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa do sức mua thấp. Đặc biệt, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng rau còn thiếu; việc quản lý mới chỉ dừng ở mức chứng nhận vùng, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, kinh doanh... Vì vậy, Bộ NN&PTNT yêu cầu, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn tại trung tâm thành phố, tuyên truyền, xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau củ quả an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Huyền (Hà Nội mới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN