Tiêu thụ nông sản: Không để nông dân tự bơi

Trước sự bấp bênh, thậm chí bế tắc đầu ra của một số loại nông sản, nhất là thị trường Trung Quốc, thời gian qua nhiều bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) đã chủ động, nhanh chóng vào cuộc chung tay tìm giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Chung tay, phản ứng nhanh

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa-Thứ trưởng Bộ Công Thương, sản lượng vải vụ mùa 2014 đạt khoảng 190.000 tấn quả tươi, tăng khoảng 13,6% (tương ứng khoảng 24.000 tấn) so với năm 2013. Hiện lượng vải tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm 60% sản lượng, số còn lại xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà- Phó Ban Quản lý Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết giá vải đầu mùa 45.000 - 50.000 kg, nhưng vào thời điểm giữa tháng 6 giá đã hạ xuống chỉ còn 20.000 đồng/kg, mặc dù chất lượng vải rất tốt. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết vào thời điểm chính vụ, mỗi ngày có hơn 200 xe tải, container vải thiều về chợ đầu mối Thủ Đức, chưa kể lượng hàng đi bằng đường hàng không. Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết, những năm trước, vào thời cao điểm mỗi ngày lượng vải thiều về chợ khoảng 5 – 6 container. Năm nay số lượng vải về tăng lên 8 - 10 container/ngày. Dự tính, trong mùa vải thiều năm nay, tại chợ đầu mối Hóc Môn sẽ tiêu thụ 4.000 - 5.000 tấn. Còn theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền, hiện sản lượng vải về chợ khoảng 50 - 70 tấn/ngày đêm và khả năng còn tăng lên.   

Tiêu thụ nông sản: Không để nông dân tự bơi - 1

Hệ thống siêu thị Coop Mart đẩy mạnh tiêu thụ vải

Đại diện của hệ thống siêu thị Lotte Mart cho biết, nhằm hỗ trợ nông dân trồng vải các tỉnh phía Bắc, từ ngày 24-29/6, hệ thống này triển khai chương trình khuyến mãi lớn cho mặt hàng vải thiều. Theo đó, vải thiều tươi tại Lotte Mart được bán với giá bằng hoặc thấp hơn giá tại các chợ trên cả nước. Để có được mức giá tốt nhằm kích cầu tiêu dùng và ủng hộ nông dân trồng vải thiều, Lotte Mart đã cắt giảm tối đa chi phí vận chuyển và các khâu trung gian, đồng thời đảm bảo chất lượng trái vải tươi ngon nhất. Hệ thống này dự kiến, trong khoảng thời gian trên, mỗi siêu thị tiêu thụ 8 - 10 tấn vải tươi mỗi ngày.

Theo ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, các siêu thị của hệ thống Coop Mart ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông và Tây nam bộ mỗi ngày tiêu thụ hơn 10 tấn vải thiều và hiện đang tiếp tục gia tăng số lượng do loại trái cây này đang được mùa và giá tốt. Ước tính, riêng trong tháng 6 này, các hệ thống phân phối của Saigon Co.op giúp nông dân tiêu thụ khoảng 500 tấn trái vải. 

Trước đó, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2014, khi Trung Quốc đột ngột ngừng nhập khẩu khiến dưa hấu Việt Nam ứ đọng, đại diện thu mua của Saigon Co.op tại miền Trung đã chủ động thu mua và tổ chức khuyến mãi ngoài kế hoạch trên toàn bộ hệ thống Co.op Mart nhằm kích cầu, giúp tiêu thụ một lượng lớn dưa hấu của các hộ nông dân. 

Tiêu thụ trực tiếp, giá tốt cho nông dân

TP Hồ Chí Minh là nơi có sức tiêu thụ mạnh các loại nông sản và hằng năm chính quyền thành phố đều có những hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực phía Nam. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đại diện hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều năm 2014 và những năm tiếp theo với các tỉnh thành miền Đông và Tây nam bộ cùng các hệ thống siêu thị và các chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.  

Ông Võ Hoàng Anh cho biết, Saigon Co.op đã tăng cường đưa nhân viên khảo sát thực tế và đánh giá về quy trình trồng tại vườn để thu mua đảm bảo chất lượng và giá mua tốt nhất cho người trồng. Việc thu mua trực tiếp từ vườn của người nông dân tạo lợi ích cho cả 3 bên: người trồng không bị thương lái ép giá, siêu thị trực tiếp thu mua nên giảm chi phí trung gian, từ đó dẫn đến người tiêu dùng được lợi kép là sản phẩm chất lượng và giá gốc.

Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh (BSA) cũng tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa các nhà vườn khu vực phía Nam với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thông qua các hoạt động hội chợ nông sản, đặc sản làng nghề; kết nối truyền thông nông sản mạng lưới phân phối khu vực TP Hồ Chí Minh. 

Bà Vũ Kim Hạnh- Giám đốc BSA cho biết, hiện trung tâm này đang tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua việc hỗ trợ xây dựng các câu lạc bộ đặc sản làng nghề tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ hình thành chuỗi giá trị và kết nối với các hệ thống phân phối, đưa sản phẩm vào siêu thị; triển khai chương trình xây dựng thương hiệu gạo và sản phẩm sau gạo… 

Theo các chuyên gia, việc kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản không chỉ giúp giải tỏa những ách tắc thị trường trong một thời điểm nhất thời mà còn giúp hoạt động sản xuất của nông dân và các doanh nghiệp địa phương phát triển bền vững vì có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở nhiều địa phương còn nặng tính hình thức, phong trào. “Lúc khởi động thì thường làm rầm rộ, sau đó buông cho doanh nghiệp tự bơi, kết quả thu về thế nào không ai biết”- một chuyên gia nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đại Dương (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN