Tiết lộ về những “quy tắc ngầm” của tiểu thương chợ Giời phố Huế
Chợ Hòa Bình, còn gọi là chợ Giời (phố Huế, quận Hai Bà Trưng TP Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nhiều gian hàng công nghệ, điện tử, cơ khí... loại gì cũng có, nhưng cũng mang tiếng xấu là nơi cho một số người bán hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí tiêu thụ đồ gian. Sau tất cả những thăng trầm, hiện nay tại khu chợ “có một không hai” này nhộn nhịp kẻ bán người mua với những nét văn hóa riêng biệt của mình.
Không sành, dễ “ăn hàng lởm”
Khu vực chợ Giời nằm rải rác từ phố Huế giao với Đại Cồ Việt, gồm các ngõ nhỏ và phố nhỏ như khu Trần Cao Vân, chùa Vua, Thịnh Yên, Yên Bái 2, cho đến cả khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
Theo tìm hiểu của PV, chợ được hình thành từ thời kì Pháp thuộc và được phát triển mạnh mẽ vào thời kì năm 1954 - 1955, do một số người dân tản cư vào miền Nam có nhu cầu cần phải bán các tài sản trong gia Từ đó chợ Giời được hình thành, mở rộng và phát triển cho đến ngày nay.
Hiện nay, chợ Giời họp từ khoảng 8h sáng đến 19h tối. Các mặt hàng tại chợ Giời hết sức phong phú và đa dạng với đủ các loại “thượng vàng hạ cám” để khách có thể lựa chọn bất kỳ một món hàng nào. Thậm chí, khách hàng có thể mua một chiếc bi đông, chiếc đèn dầu, các sản phẩm đồ giả cổ cho đến các loại máy móc, linh kiện điện tử phức tạp nhất.
Hoạt động kinh doanh tại chợ Giời có những quy tắc ngầm mà ai làm ăn ở đây cũng phải biết.
Là một khách hàng thường xuyên ghé thăm chợ Giời, anh Nguyễn Tài Vinh một kĩ sư điện tử tại phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Tôi thấy ít nhiều dù bị mang tiếng nhưng thực tế chợ Giời vẫn là nơi cung cấp nhiều loại hàng hóa phổ thông cho nhiều đối tượng bình dân có thu nhập thấp và cũng là nơi cung cấp những linh kiện điện tử thuộc dạng “hiếm có khó tìm”. Để phục vụ cho công việc nghiên cứu, sửa chữa các thiết bị điện tử trong công việc của mình, tôi phải thường xuyên đến chợ Giời mua linh kiện”.
Hiện nay, chợ Giời không chỉ bán đồ cũ, mà còn bán các sản phẩm mới tinh, nguyên đai nguyên kiện. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt tại khu chợ này so với các khu chợ khác là hàng giả và hàng thật luôn bị trà trộn lẫn nhau mà giá cả không hề chênh lệch là bao(?). Vì thế, những người sành sỏi có thể mua được đồ vừa xịn vừa rẻ. Ngược lại, không ít vị khách không có kinh nghiệm sẽ bị qua mặt một cách dễ dàng, mua hàng “lởm” với giá cao.
Tiểu thương đều thông hiểu những “quy tắc ngầm”
Đến chợ Giời, khách hàng sẽ tìm thấy được các sản phấm rất phong phú đa dạng, từ đồ “hiếm có khó tìm” cho đến các vật dụng sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống. Ảnh: N.Hiếu
Ông Nguyễn Cao Vân, tiểu thương kinh doanh loa đài có thâm niên trên 50 năm ở chợ Giời cho biết: “Chợ Giời có thâm niên lâu đời tại Hà Nội nhưng ít khi mất an ninh trật tự, bởi khác với các chợ khác như Long Biên, Hàng Da… Đa phần các hộ kinh doanh tại đây thường có thâm niên ít nhất là 2-3 đời sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Hoạt động kinh doanh tại đây có những quy tắc ngầm mà ai cũng phải hiểu, đó là không được chào mời, tranh giành khách, phá giá, phải tôn trọng hoạt động kinh doanh của nhau. Chính vì điều này mà hàng chục năm qua, gần 1.000 hộ kinh doanh tại đây luôn buôn bán hòa thuận, việc ai người đấy làm, ít khi gây gổ với nhau. Từ xưa đến nay, chúng tôi hoạt động kinh doanh buôn bán hiếm khi phải nhờ sự can thiệp, hay giúp đỡ từ phía Ban quản lý chợ hay chính quyền, công an địa phương”.
Ông Vân chia sẻ, trong số gần 1.000 hộ dân kinh doanh ở chợ Giời, vẫn có một bộ phận cá nhân nhỏ lẻ tiếp tay với đối tượng trộm cắp để mua lại với những món hàng giá trị với giá rẻ để bán ra với giá hời. Tuy nhiên, tình trạng ấy hiện nay chỉ còn tồn tại rất ít.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Thị Hồng - Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, sau bao thăng trầm, để phát triển chợ Giời theo đúng hướng, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có định hướng, quy hoạch để phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, cần phải có những giải pháp, chế tài mạnh mẽ đủ sức răn đe để kiểm tra và xử lý các sản phẩm trôi nổi kém chất lượng tại chợ Giời. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phải có những chính sách để lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa đẹp của các tiểu thương tại đây, để chợ Giời trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch của Thủ đô mà nhiều người mong muốn tìm đến.