Tiết kiệm gần 1 tỷ USD nhập khẩu: Sao giá xăng dầu trong nước vẫn giảm “nhỏ giọt”?

Giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh, song các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước chiều nay (30.11) cho biết, kỳ điều hành giá xăng dầu tới đây (dự kiến ngày 3.12 theo chu kỳ 15 ngày), giá xăng dầu trong nước chỉ có thể giảm 200-300 đồng/lít, tùy loại.

Mức giảm sẽ lại “nhỏ giọt”?

Giá dầu sắp đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7.2015 khi Iran cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không cắt giảm sản lượng mục tiêu tại cuộc họp dự kiến diễn ra trong tuần này.

Tiết kiệm gần 1 tỷ USD nhập khẩu: Sao giá xăng dầu trong nước vẫn giảm “nhỏ giọt”? - 1

Cuối tuần qua, giá dầu thô trên các thị trường đã giảm sâu trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh bởi dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Giá dầu thô WTI giảm 1,33 USD, tức 3,09%, xuống 41,71 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 59 cent xuống 44,87 USD/thùng, sau khi có lúc xuống tận 44 USD. Tính đến nay, giá dầu WTI và dầu Brent đều giảm khoảng 9% so với đầu tháng 11.2015.

Trước đó, căng thẳng Moscow-Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một phi cơ chiến đấu của Nga là nguyên nhân lớn nhất khiến giá dầu tăng mạnh gần 3% lên mức 43-44 USD/thùng trong ngày 24.11. Hiệu ứng này giảm dần và giá dầu liên tiếp giảm từ đó đến nay.

Trao đổi với phóng viên chiều 30.11, ông Trần Minh Hà - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết, kỳ điều hành tới nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ được các cơ quan Nhà nước điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, theo tính toán của ông Hà, mức giảm cũng chỉ “nhỉnh” hơn chút ít so với mức giảm của kỳ điều hành trước, tức chỉ khoảng 200-300 đồng/lít, tùy loại. Ông Hà cho biết, “ngay sau khi giá xăng dầu giảm nhẹ hôm 18.11 thì giá xăng dầu thành phẩm thế giới mà doanh nghiệp nhập về liên tục tăng lên, lúc đó doanh nghiệp dự báo giá kỳ tới sẽ tăng nhưng ở cuối chu kỳ giá xăng dầu thế giới lại giảm nên khả năng giảm nhẹ giá xăng dầu tới đây sẽ xảy ra”.

Những điều khó hiểu, vô lý

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, rõ ràng, giá dầu thế giới đã giảm rất mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành tới vẫn được các doanh nghiệp dự báo chỉ giảm nhẹ là điều rất khó hiểu. Báo cáo của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, tính đến giữa tháng 11.2015, Việt Nam đã nhập khẩu 2,18 triệu tấn xăng, gần như tương đương mức của cùng kỳ năm 2014 là 2,19 triệu tấn. Tuy nhiên, năm nay Việt Nam chỉ phải chi ra 1,33 tỷ USD để nhập khẩu lượng xăng đó, thấp hơn nhiều so với mức 2,22 tỷ USD của năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã giảm được hơn 880 triệu USD tiền nhập khẩu từ đầu năm đến nay. Nếu tốc độ này không thay đổi, Việt Nam sẽ giảm được hơn 1 tỷ USD từ nhập khẩu xăng trong cả năm 2015.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, chúng ta giảm được tới gần 1 tỷ USD từ nhập khẩu xăng dầu trong khi giá xăng dầu trong nước chỉ giảm được nhỏ giọt, doanh nghiệp thì vừa công  bố lãi khủng là điều rất vô lý. Vấn đề đặt ra là khoản lợi nhuận khủng của doanh nghiệp xăng dầu liệu có sự chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán ra hay không? Cơ chế quản lý giá cả về xăng dầu có đảm bảo công bằng lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp Nhà nước hay không? “Tôi chưa rõ câu trả lời song việc doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn, trong khi các doanh nghiệp khác và người dân chịu thiệt thòi vì giá xăng giảm không tương xứng thì chưa thể nói đến giá xăng dầu công bằng” – ông Thắng khẳng định.

Trong khi đó, ông Trần Minh Hà cũng thừa nhận, giá dầu thế giới đúng là giảm mạnh từ đầu năm đến nay nhưng giá trong nước giảm như thế nào còn phụ thuộc vào các loại thuế phí; chưa kể, doanh nghiệp nhập xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở trong nước mà không nhập ở nước ngoài thì giá cả cũng sẽ được tính toán khác. “Cơ quan điều hành đã quy định, chênh lệch giá cơ sở mặt hàng xăng dầu với giá bán ra dù chỉ vài chục hay vài trăm đồng thì doanh nghiệp cũng phải giảm giá cho người dân. Thời gian qua, giá xăng dầu bán ra trong nước có lúc chỉ giảm được ít, khoảng hơn 100-200 đồng/lít tùy loại nhưng cũng phải giảm là vì lý do này. Doanh nghiệp chỉ biết tuân thủ theo” - ông Hà nói.

Theo Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu xăng trung bình kể từ đầu năm đến giữa tháng 11 là 610,7 USD/tấn, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Con số này gần bằng mức giảm của nhóm sản phẩm xăng dầu các loại (ngoài xăng còn có dầu diesel, dầu mazut và nhiên liệu bay). Và tính đến giữa tháng 11.2015, Việt Nam đã nhập khẩu 8,41 triệu tấn xăng dầu các loại với tổng giá trị 4,64 tỷ USD, tăng so với mức khối lượng 7,42 triệu tấn nhưng giảm so với mức giá trị 6,94 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014. Như vậy, mức giá nhập khẩu trung bình năm nay dự báo là 551,5 USD/tấn, giảm mạnh so với mức 926,8 USD/tấn của năm trước, tương đương giảm 40,5%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN