Tiền lì xì: Trong hiếm, ngoài... bao la
Ngân hàng chỉ ưu tiên đổi tiền mới cho khách hàng “ruột”, sau đó mới đến khách vãng lai, trong khi trên các đường phố, người dân muốn đổi bao nhiêu cũng có.
Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ, nhu cầu đổi tiền mới để lì xì lên đến đỉnh điểm. Người dân không phải là khách hàng của ngân hàng (NH) không thể đổi được tiền lẻ mới trong khi tại các điểm đổi tiền ngoài NH, phí chuyển đổi lên tới 20%-40%.
Hà Nội: Khó đổi được tiền mới
Chị Nguyễn Thanh ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết chị có tài khoản tiết kiệm tại 5 NH với hạn mức đủ làm khách hàng VIP. Những năm trước, khoảng ngày 17 tháng chạp, NH chủ động gọi điện hỏi chị có đổi tiền lẻ không nhưng năm nay không thấy nơi nào gọi. Sáng 21/1, chị Thanh hỏi đổi tiền mệnh giá 5.000 đồng ở các NH mình vẫn giao dịch nhưng chỉ có một nơi cho biết có thể đổi được tiền mới mệnh giá 10.000 đồng nhưng chỉ được một cọc (1 triệu đồng), còn lại những NH khác chỉ đổi được tiền mới mệnh giá 50.000 đồng trở lên.
Chuyện đổi tiền lẻ diễn ra công khai ở Hà Nội. Ảnh: Văn Duẩn
Là người có sổ tiết kiệm gửi tại NH, chúng tôi đã liên hệ với một số phòng giao dịch để đổi tiền lẻ mới nhưng đều bị từ chối. Nhân viên các NH cho biết năm nay NH Nhà nước không cung ứng tiền mới mệnh giá thấp từ 5.000 trở xuống nên kho quỹ không có tiền mới đổi cho khách như mọi năm.
Ở khối ngoại cũng tương tự. Nhân viên tín dụng của một NH nước ngoài cho biết năm nay chỉ đổi được tiền từ 10.000 đồng trở lên, mỗi nhân viên được chia nửa cọc cho mỗi mệnh giá để đổi cho người thân. Trong hạn mức eo hẹp ấy, nhân viên nào có quan hệ khách hàng không thể từ chối thì phải san sẻ.
TP HCM: Khan hiếm tiền 20.000 - 50.000 đồng
Ở TP HCM, tình hình có vẻ “dễ thở” hơn. Ngày 20-1, chúng tôi đến một NH đề nghị đổi 1 triệu đồng tiền mới mệnh giá 10.000 đồng. Nhân viên NH từ chối vì tiền mới đã hết từ tuần trước. Thế nhưng, khi chúng tôi quay trở lại rút tiết kiệm 5 triệu đồng và yêu cầu được nhận tiền mới mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng hoặc 50.000 đồng thì nhân viên NH này thông báo chỉ có tiền mới loại 10.000 đồng. Tại các NH khác, nhiều khách hàng cá nhân cũng chỉ đổi được tiền mới với mệnh giá tương tự.
Để đổi được 20 triệu đồng tiền mới loại 20.000 và 50.000 đồng, chúng tôi phải nhờ một chủ doanh nghiệp có quan hệ thân thiết với giám đốc một NH. Tuy nhiên, vị giám đốc NH này chỉ đồng ý đổi 1 triệu đồng mệnh giá 20.000 đồng và 10 triệu đồng mệnh giá 50.000 đồng vì 2 loại tiền này còn quá ít.
Lãnh đạo nhiều NH ở TP HCM cho biết năm nay, NH Nhà nước cung ứng tiền mới cho các NH thương mại chủ yếu là mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng. Các NH phải cân đối số lượng tiền mới để ưu tiên đổi cho khách hàng thân quen, sau đó mới tính đến khách vãng lai. Riêng tiền mới mệnh giá 20.000, 50.000 đồng, một số NH còn tồn kho từ năm trước nhưng do số lượng ít nên chỉ đổi nhỏ giọt cho khách hàng VIP.
Sốt giá chợ đen
Giữa tháng 12-2013, NH Nhà nước có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Thế nhưng, tại thời điểm này, các điểm đổi tiền vẫn vô tư hoạt động. Sáng 21-1, tại phố đổi tiền Đinh Lễ (Hà Nội), dân buôn tiền tụ tập thành từng nhóm nhỏ, đứng ngay đầu ngã ba đường đón khách. Nếu khách có nhu cầu, sau khi thỏa thuận giá, họ sẽ hẹn địa điểm rồi về lấy tiền giao sau. Do lượng cung hạn chế nên phí đổi tiền lẻ ở đây cũng nóng lên từng ngày. Sáng 21-1, phí đổi 500.000 đồng mệnh giá 5.000 đồng là 100.000 đồng; 1 triệu đồng mệnh giá 10.000 đồng là 150.000 đồng, tiền các mệnh giá cao hơn có mức phí tương đương hoặc thấp hơn một chút.
Đối với các loại mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống không được NH Nhà nước phát hành thêm, mức phí đổi cao “cắt cổ”. Cụ thể, tiền 2.000 đồng phí đổi đã lên 30% trong khi cách đây khoảng 3 tuần, giá đổi tiền lẻ mệnh giá này chỉ 20%. Tiền 1.000 đồng phí đổi tiền tăng từ 30% lên 40%. Tiền mệnh giá 500 đồng, phí đổi lên tới 100%-120% nhưng rất khó đổi.
Ở những đền, chùa như chùa Phúc Khánh, Quán Sứ, phủ Tây Hồ… hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra công khai. Hầu hết các chùa đều có bàn đổi tiền với đủ mệnh giá.
Tại TP HCM, việc đổi tiền lẻ cũng diễn ra tương tự. Một tiệm cầm đồ nằm trên giao lộ Tân Sơn - Quang Trung (quận Gò Vấp) treo hẳn một bảng đổi tiền mới. Chủ tiệm cho biết chỉ có tiền mới loại 10.000 đồng, phí đổi là 10%, số lượng bao nhiêu cũng có. “Không dễ dàng đâu! Tôi phải chi hoa hồng cho các nhân viên kho bạc mới có vài chục triệu đồng tiền mới để đổi cho khách” - chủ tiệm tiết lộ.
Liên hệ với một đầu mối ở quận 5, TP HCM để đổi tiền mới mệnh giá 20.000 và 50.000 đồng, chúng tôi biết được mức phí chuyển đổi là 20%.
Trên các website đổi tiền, chủ nhân cũng quảng cáo có tiền đủ loại mệnh giá và muốn bao nhiêu cũng có. Liên hệ với chủ nhân trang web doitienle…, anh này cho biết nếu đổi số lượng ít thì phí khoảng 20%-30% đối với tiền cotton, 12%-15% đối với tiền polymer.
Tiết kiệm lớn khi hạn chế tiền mệnh giá nhỏ Trong năm 2013, NH Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội đã thu về riêng mệnh giá loại 500 đồng khoảng 900 bao, xấp xỉ 9 tỉ đồng. Để in ra 9 tỉ đồng mệnh giá 500 đồng này tốn chi phí tới gần 30 tỉ đồng mà số tiền này không đưa trở lại lưu thông được. NH Nhà nước cũng cho biết chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm, bảo quản những loại tiền mệnh giá nhỏ mỗi năm vào khoảng 300 tỉ đồng. Những chi phí này nếu tiết kiệm được sẽ rất có ích cho xã hội. |