Thủy hải sản tồn dư hóa chất: Châu Âu trả về, không cách gì loại bỏ được
Nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo do tồn dư hóa chất, kháng sinh và bị trả về, gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của sản phẩm …
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay ngành nông nghiệp đang phải đối phó với thực trạng người dân lạm dụng, tùy tiện sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản một cách tràn lan không theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng, dẫn đến lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm vật nuôi cao.
Ảnh minh họa
Ông Lê Anh Ngọc – Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Dư lượng hóa chất, kháng sinh trong khi đã tồn dư thì không có phương pháp nào để loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, dẫn tới tình trạng “nhờn thuốc”.
Về kinh tế, nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo do tồn dư hóa chất, kháng sinh và bị trả về, gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của sản phẩm …
Trong năm 2016, các cơ quan đã lấy mẫu 2724 mẫu thủy sản nuôi, phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc dư lượng kháng sinh hạn chế vượt mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 1,14%). Tỷ lệ vi phạm hóa chất có giảm so với năm 2014 (1,24%) nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét.
Trong năm 2016, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Cụ thể, Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô).
Số lượng lô hàng bị cảnh báo năm 2016 là 40 lô, có giảm so với năm 2015 (70 lô).
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành- Thanh tra Bộ NN&PTNT, khi kiểm tra việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phát hiện các hành vi vi phạm như: Các công ty nhập khẩu kháng sinh dưới dạng thức ăn chăn nuôi và bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Còn các hộ nuôi trồng thủy sản mua và sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi (đặc biệt là kháng sinh cấm Enrofloxacin)...
Theo ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong năm 2016, Cục này đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin 3 tháng nhằm tránh lạm dụng kháng sinh này trong nuôi trồng thủy sản. Cục cũng đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3-12 tháng với 6 công ty có hành vì bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng.
“Dùng kháng sinh phòng bệnh cho người và vật nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm chính vì thế dùng không đúng kháng sinh, đúng liều, phác đồ. Kháng kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cả vật nuôi”, ông Thành cho hay.
“Chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chế tài xử phạt. Những hành vi sử dụng chất cấm, trong đó có kháng sinh cấm sẽ bị xử lý hình sự. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ đang xây dựng cũng nâng mức chế tài xử phạt, cụ thể người chăn nuôi nuôi trồng thủy sản sử dụng nguyên liệu kháng sinh sẽ bị xử phạt nặng và đồng thời tiêu hủy, đóng cửa. Ngoài ra các danh tính sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Thành nhấn mạnh.
Tại đây, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách, không đúng mục đích và chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể tạo ra "thảm họa" kháng kháng sinh. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.