Thượng vàng hạ cám hàng xách tay: Đủ chiêu buôn hàng

Hàng xách tay về Việt Nam có thể theo đường hành lý của người thân, của tiếp viên hàng không hoặc các chủ cửa hàng nhờ đầu mối vận chuyển nhưng không ít sản phẩm được gắn mác “xách tay xịn” mập mờ nguồn gốc, là hàng nhái, hàng giả.

Linh, tiếp viên của một hãng hàng không, cho biết việc xách hàng từ nước ngoài về Việt Nam trên các chuyến bay giống như “cửu vạn” đã xuất hiện từ lâu và chiếm tỉ lệ không nhỏ trên thị trường hàng xách tay. Ban đầu chỉ là “tiện đường” đem về giúp bạn bè, người thân, lâu dần nhiều tiếp viên xem việc chuyển hàng hóa về nước như một nghề tay trái.

Nhiều đường đi

“Nhiều cửa hàng miễn thuế ở các sân bay quốc tế thường bán hàng giảm giá cho tiếp viên. Hoặc một số cửa hàng nhờ tiếp viên xách hàng theo dạng hành lý rồi về trả công với chi phí từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một chuyến. Một số tiếp viên còn kiêm thêm nghề tay trái là bán mỹ phẩm, nước hoa qua mạng sau khi mang từ nước ngoài về” - Linh cho biết.

Theo chủ cửa hàng S.T chuyên bán hàng xách tay trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TP HCM), mặt hàng sữa Pedia Sure (Úc) ở đây không bán nhưng khách quen có thể đặt mua 1-2 lần/tuần do chủ cửa hàng có người nhà bên Úc về thường xuyên. Số hàng này về theo đường hành lý ký gửi nên không phải đóng thuế. “Với những mặt hàng khác, số lượng nhiều sẽ có đầu mối, dịch vụ vận chuyển về, đóng thuế cho mình nên giá hàng xách tay “xịn” sẽ cao hơn hàng chính hãng hoặc giá ở nước ngoài” - chủ cửa hàng nói.

Với các mặt hàng công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Hữu, chủ cửa hàng trên đường Cánh Mạng Tháng Tám (quận 1), cho biết các sản phẩm của Apple (iPhone, iPad, Macbook) thường đi theo đường xách tay từ Hồng Kông, Singapore hoặc từ Mỹ. Giá các nơi tương đương nhưng ở Mỹ có một nhóm chuyên mua hàng theo hợp đồng từ các nhà mạng với giá rẻ, sau đó chi tiền cho nhà mạng để thanh lý hợp đồng, lấy mã (code) chuyển từ bản lock sang bản quốc tế. Khi về Việt Nam, hàng này được bán theo giá xách tay vẫn có lời nhiều. Đối với các thương hiệu khác, hàng được “đánh” về chủ yếu từ Hồng Kông, Singapore vì tiền vận chuyển ít và giá gốc rẻ. “Một chiếc điện thoại xách tay có giá thấp hơn hàng chính hãng khoảng 2 triệu đồng. Hàng xách tay có ưu điểm nhanh, đáp ứng nhu cầu của dân mê công nghệ nên đầu mối có thể đem về vài chục cái sau khi qua cửa hải quan” - ông Hữu tiết lộ.

Thượng vàng hạ cám hàng xách tay: Đủ chiêu buôn hàng - 1

Một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Mập mờ nguồn gốc

Tại Việt Nam, từ “xách tay” rất quen thuộc bởi mặt hàng nào từ nước ngoài về cũng có thể xách tay nhưng chính tâm lý sính ngoại nên hễ nghe hàng “xách tay” là nhiều người cho rằng đó là đồ xịn mà không biết trên 50% là hàng nhái, hàng dỏm được sản xuất từ nước ngoài, nhất là quần áo, hàng thời trang, mắt kính...

Đặng Khoa, một đầu mối “đánh” hàng xách tay nổi tiếng ở TP HCM, cho biết anh chuyên chuyển hàng cho các ca sĩ nổi tiếng. Từ lâu, giữa Khoa và khách thỏa thuận với nhau rằng hàng xách tay mang về sau khi được người mua đặt đều là hàng “xịn”. Từ “xịn” ở đây được hiểu là hàng không chính hãng nhưng được sao chép nguyên từ kiểu dáng đến chất liệu. Cụ thể, các loại trang sức, đồng hồ mang tên thương hiệu nổi tiếng được nhái tinh vi đến độ những người sành điệu nhất cũng khó nhận biết, kể cả đồ trang sức của Cartier, Tiffany&Co, BVL-Gari hay các loại đồng hồ mang thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega, Patek Phillipe…

Đưa chúng tôi xem chiếc túi xách hiệu LV nổi tiếng, Khoa khẳng định ngoài giống các điểm đặc biệt vốn có của túi LV xịn như chỉ có 1 ngăn, khóa kéo làm bằng vàng 14 kara…, hàng nhái còn giống từ túi bọc bên ngoài, catalogue đi kèm. Điểm khác là giá trị hàng nhái chỉ bằng 1/10 hàng chính hãng. Ví dụ giá bán túi LV chính hãng 4.000 USD thì túi “siêu sao chép” giá chỉ 8-10 triệu đồng. Chính điều này đã mặc định cho phân khúc hàng xách tay xịn với hàng xách tay nhái.

Với mắt kính, Khoa cho biết mỗi khi nhập hàng về, chủ hàng lựa ra một số loại có kiểu dáng đẹp, nhái những thương hiệu nổi tiếng như Oakley, Ray-Ban, Gucci, LV sau đó “lên đời” thành hàng xách tay để bán giá cao hơn. “Thực tế, hàng đều nhập từ Trung Quốc. Mắt kính nhái hàng hiệu đến 99%. Số hàng này khi “đánh” về đều có sẵn catalogue, hộp, lót nhung và cả tem chống nhái rất tinh xảo. Nếu gặp khách cẩn thận đòi kiểm tra code trên mạng cũng “chấp” luôn”- Khoa nói.

Dễ mất tiền oan

Hàng xách tay được rao bán rất nhiều trên mạng, được giới thiệu nhiều tính năng vượt trội nên không ít khách hàng có nhu cầu bị “dụ”. Chủ một website bán đồ xách tay từ Nhật cho biết từng có người đến chào hàng, giới thiệu hàng xách tay xịn với giá rẻ chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 hàng chính hãng. Đây nếu không phải hàng giả, hàng nhái cũng là hàng lậu theo đường tiểu ngạch. Thậm chí, một số nơi mua hộp lon sữa bột về rồi đóng sữa giả vào bán, thậm chí cả hạn sử dụng cũng dập lại nên không ít người mua hàng qua mạng, ham rẻ, mất tiền oan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÁI PHƯƠNG - NGỌC MAI (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN