Thương mại điện tử: Khó nhất là tạo niềm tin

“Khó khăn lớn nhất của thương mại điện tử chính là ở lòng tin của phần lớn dân chúng Việt Nam vào giao dịch trực tuyến”.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Thưa ông, những năm gần đây kinh tế toàn cầu khó khăn, điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam không?

Vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam bị tác động đáng kể của suy thoái toàn cầu chung. Điều này có ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của thương mại điện tử nước ta. Tuy nhiên, khó khăn đó cũng tạo ra kích thích mạnh mẽ trở lại đối với thương mại điện tử. Bởi kinh tế khó khăn thì doanh nghiệp phải tìm cách thay đổi chiến lược kinh doanh, cơ cấu, điều chỉnh phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí và có lợi nhuận cao nhất.

Cụ thể, thương mại điện tử của Việt Nam có bước phát triển như thế nào, thưa ông?

Có thể cảm nhận rất rõ thương mại điện tử của Việt Nam trong vài năm gần đây phát triển khá nhanh. Tới nay Internet đã phổ cập không những ở thành phố lớn mà còn ở các vùng nông thôn hẻo lánh.

Theo Sách trắng về công nghệ truyền thông năm 2014 của Bộ TT và TT, đến cuối năm 2013 cả nước có trên 33 triệu người sử dụng Internet, số thuê bao di động 3G là 19,7 triệu. Đây là nền tảng rất tốt để thương mại điện tử nảy nở.

Xu hướng mới trong công nghệ thông tin như công nghệ điện toán đám mây, công nghệ di động phát triển mau lẹ trong vài năm gần đây tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thương mại điện tử.

Ở Việt Nam hiện nay, dân số trẻ dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ cao. Thế hệ trẻ này được đào tạo khá là bài bản, có tri thức văn hóa, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin tốt và  nhanh nhạy tiếp thu cái mới.

Có thể thấy rằng, hàng loạt các yếu tố mang tính chất nền tảng cả về công nghệ mới, nguồn nhân lực như vậy tạo điêu kiện, cơ sở cho thương mại điện tử phát triển nhanh trong giai đoạn tới.

Thương mại điện tử: Khó nhất là tạo niềm tin - 1

 Ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Vậy sự phát triển của thương mại điện tử đã tác động thế nào đến kinh tế xã hội nước ta?

Thương mại điện tử đã có đóng góp tích cực trong sự phát triển của mọi ngành kinh tế, kể cả những ngành truyền thống. Chẳng hạn trong lĩnh vực du lịch, khách du lịch ở nước ngoài chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minhkết nối mạng internet là có thể đặt được mọi dịch vụ cho chuyến đi, bao gồm mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán, chia sẻ thông tin chuyến đi với người thân...

Có thể nói đây là một sự kỳ diệu, so sánh cách đây chưa đầy một thập kỷ thì có những điều không tưởng bây giờ đã hiện thực.

Trong quá trình phát triển, lĩnh vực thương mại điện tử gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất của thương mại điện tử chính là lòng tin vào giao dịch trực tuyến của phần lớn dân chúng Việt Nam. Ví dụ khi xem sản phẩm trên website một đằng, nhưng khi nhận một nẻo. Tóm lại là chất lượng hàng hóa dịch vụ quảng bá chưa đúng với hàng hóa khách hàng nhận được. Mặc dù tỷ lệ này không cao nhưng được lan truyền rất nhanh.

Bên cạnh đó, hạ tầng cho thanh toán trực tuyến ở Việt Nam chưa phát triển nhanh, chưa thuận lợi cho người tiêu dùng. Chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao cũng là một cản trở lớn đối với lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam.

Như ông nói, khó khăn lớn nhất xuất phát từ yếu tố lòng tin. Vậy, làm thế nào để người dân tin vào giao dịch trực tuyến?

Vấn đề lòng tin không chỉ là vấn đề với Việt Nam mà còn ở các nước có nền thương mại điện tử phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Người ta cần liên tục xây dựng lòng tin vào giao dịchtrực tuyến với người tiêu dùng.

Chẳng hạn người tiêu dùng không phải lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ khi mua hàng trên mạng internet. Muốn vậy, phải có sự phối hợp của mọi bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước lẫn các  doanh nghiệp.

Đồng thời, phải có giải pháp về thanh toán trực tuyến an toàn, thuận lợi hơn. Riêng ở nước ta, thanh toán bằng tiền mặt còn khá phổ biến trong nên cần có dịch vụ giao hàng thu tiền (COD) thuận lợi và tin cậy.

Cũng cần triển khai các hoạt động quy mô toàn quốc để nâng cao lòng tin cho đông đảo người tiêu dùng trực tuyến. Chẳng hạn, năm 2011 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam lần đầu tiên đã triển khai chương trình Tuần mua sắm trực tuyến. Năm nay, Hiệp hội đang phối hợp với Bộ Công Thương và nhiều doanh nghiệp triển khai Ngày mua sắm trực tuyến 2014. Ngày này diễn ra vào thứ sáu 5/12/2014. Mọi khách hàng có thể truy cập website chính thức www.ngaymuasamtructuyen.vn để mua sắm rất nhiều hàng hóa và dịch vụ với các điều kiện ưu đãi và tin cậy.

Xu hướng phát triển thương mại điện tử trong những năm tới như thế nào?

Có thể nói hầu hết các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định tốc độ phát triển của thương mại điện tử đều cao hơn tốc độ phát triển trung bình của nền kinh tế.

Ở Việt Nam hiện nay giá trị mua sắm trực tuyến/đầu dân còn rất thấp so với các nước tương đồng trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Như vậy có thể thấy rằng với quy luật chung giá trị mua sắm trực tuyến/đầu dân sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới.

Nhiều dự báo của các tổ chức uy tín đều cho rằng giai đoạn từ nay đến 2020 tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam tăng rất cao... Đây là là cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm thời cơ và là thách thức to lớn cho những doanh nghiệp chậm chân trong kinh doanh trực tuyến.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN