Thương lái Trung Quốc “lách luật” mua cua: Cần thận trọng!

Gần đây thương lái người Trung Quốc núp bóng khách du lịch bắt đầu xuất hiện trở lại ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau) để thu mua cua biển chuyển về nước.

Thiếu tá Mã Thiên Hùng - Đội phó Cảnh sát quản lý hành chính (Công an huyện Năm Căn), khẳng định: “Các thương lái người Trung Quốc này đang “lách luật” để hoạt động ở địa phương. Do họ núp bóng dưới hình thức khách du lịch, thủ tục hợp pháp… nên ngành chức năng không thể xử lý được. Mặt khác, hiện chưa có chế tài nào để xử lý kiểu làm ăn gian dối như thế này của thương lái Trung Quốc”.

Trước đó vào năm 2012, đã có rất nhiều chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn (Cà Mau) đã bị quỵt số tiền lên tới 17 tỷ bởi một thương lái Trung Quốc tên là Wang Juanmei.

Từ đầu năm 2012 đến nay, rất nhiều vụ thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua nông sản gây nhiễu loạn thị trường.

Việt Nam là nước nông nghiệp, lại nằm cạnh quốc gia có thị trường quá rộng lớn, nên việc giao thương nông sản là điều tất yếu. Ngoài những cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm luật pháp, có một bộ phận lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam để thu mua hàng hóa trái phép.

Thương lái Trung Quốc “lách luật” mua cua: Cần thận trọng! - 1

Thương lái Trung Quốc đang thu mua hàng thủy sản.

Từ đầu năm đến nay, thương lái Trung Quốc đã mua rất nhiều mặt hàng nông nghiệp lạ như, cây huyết đằng tại tỉnh Kon Tum, lá khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long, cây culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích) tại Nghệ An, mầm thảo quả tại Hà Giang...Trước đó, thương lái Trung Quôc cũng đã mua những mặt hàng khá lạ lùng, cảm tưởng vô giá trị kinh tế như ốc bưu vàng, đỉa, gián, móng trâu, móng bò, nửa thân trên của tàu dừa, lá xoài khô, lá cây điều…

Cuối tháng 3, hàng dài xe dưa hấu của thương lái trong nước nằm dài tại cửa khẩu Tân Thanh, sau khi bị thương lái Trung Quốc ép bán giá rẻ mạt.

Thật ra, người dân không phải không cảnh giác trước những chiêu trò thu mua nông sản của thương lái nước ngoài, nhưng vì lợi nhuận cao, trong khi giá thu mua trong nước rẻ hơn, thậm chí có cả những mặt hàng tưởng không có giá trị cũng có thể bán, nên họ đổ xô đi bán mà không biết được nhưng hệ hụy đẳng sau đó.

Đã có rất nhiều trường hợp, khi thương lái nước ngoài đến thu mua nông sản, thường đẩy giá lên cao và đặt mua với số lượng lớn, tuy nhiên lại không đưa ra điều kiện về chất lượng. Người dân thấy mức giá hấp dẫn, tập trung đẩy mạnh trồng, sản xuất tới khi thu hoạch thì thương lái đột ngột dừng thu mua và biến mất khiến người dân sống dở chết dở, vì sản phẩm không có đầu ra.

Bên cạnh đó, việc thu mua nông sản của thương lái thường mang tính chụp giật, ăn xổi ở thì, mua bán không có hợp đồng, tùy tiện nâng, hạ giá. Mặt khác lại không sòng phẳng nên ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống sản xuất, phân phối nông sản trong nước.

Khi được hỏi, hiện đã có nhiều biện pháp siết chặt quản lý nhưng tại sao thương lái nước ngoài, vẫn có thể vào trong nước thu mua trái phép. Ông  Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: “Những thương lái thu mua nông sản vào Việt Nam bằng con đường du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh, doanh nhân tìm hiểu cơ hội kinh doanh nên rất khó kiểm soát. Để có thể biết được họ vào có hoạt động đúng mục đích ban đầu hay không, cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và các địa phương”.

Ông Võ Văn Quyền cũng cho rằng “Dù rất buồn nhưng tôi phải khẳng định, người nông dân ta có đặc điểm rất xấu, đó là việc thường chạy theo lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, không nghĩ lợi ích cộng đồng”.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, để tình trạng thương lái nước ngoài mua bán diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, với nhiều mặt hàng khác nhau trong một thời gian dài một phần vì người dân hám lợi, thấy mua với giá cao ồ ạt đi trồng, thu mua, mong có thu nhập trước mắt. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm.

Bộ Công thương khuyến cáo người dân, khi thương lái nước ngoài đến mua nông sản cần yêu cầu đối tác xuất trình giấy phép và ký kết hợp đồng theo quy định. Tránh tình trạng, sản xuất, gom hàng như cuối cùng không thấy thương lái xuất hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Đời Sống & Pháp Luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN