Thương lái Trung Quốc ép giá khoai
Giá khoai lang tím Nhật từ 1 triệu đồng/tạ (1 tạ khoai ở ĐBSCL tính bằng 60kg) giảm liên tục xuống còn 300.000 đồng/tạ, thậm chí có nơi thương lái chỉ mua 250.000 đồng/tạ, đẩy hàng loạt hộ trồng khoai ở ĐBSCL lâm vào cảnh lỗ nặng. Một lần nữa chuyện nuôi trồng theo phong trào, vượt ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng đã dẫn đến hệ lụy khó lường.
Vỡ mộng... khoai lang
Khoai lang rớt dưới giá thành sản xuất đang khiến nhiều hộ dân ở “Vương quốc khoai lang Bình Tân” tỉnh Vĩnh Long mất ăn mất ngủ. Chiều 13-5, chúng tôi về các xã Tân Thành, Thành Trung, Thành Đông, Nguyễn Văn Thảnh, Mỹ Thuận… chứng kiến cánh đồng khoai lang bạt ngàn, nhiều diện tích đã quá ngày thu hoạch nhưng người dân không dám dỡ khoai bởi giá quá thấp.
Ông Nguyễn Văn Sáu, ở xã Tân Thành, chua chát nói: “Khoai tím Nhật chỉ còn 250.000 đồng/tạ, nếu năng suất đạt 40 tạ/công thì tổng thu được 10 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư phân thuốc, tiền thuê nhân công trồng khoai, cuốc, dỡ… đã hơn 12 triệu đồng/công, tính ra lỗ trắng”. Vụ này ông Sáu trồng 4 công khoai, đến nay quá thời gian thu hoạch 15 ngày nhưng vẫn cố neo lại vì khoai rớt giá thấp quá, bán sẽ lỗ nặng.
Kéo chúng tôi ra thăm cánh đồng khoai ở xã Mỹ Thuận, anh Lê Hoàng Lâm thở dài, kể: “Nhà tui ở bên xã Thành Đông, do thấy năm rồi nhiều hộ trồng khoai lang tím Nhật thắng lớn nên tôi đưa gia đình sang xã Mỹ Thuận thuê 20 công đất với giá 140 triệu đồng trồng khoai, hy vọng đổi đời. Nào ngờ giá khoai đảo chiều giảm mạnh, trong khi vụ này ảnh hưởng mưa nên thất mùa, năng suất chỉ 30 - 35 tạ/công. Với tình hình này, bán xong 20 công khoai sẽ lỗ không dưới 200 - 250 triệu đồng. Đổi đời đâu không thấy nhưng trước mắt là viễn cảnh ôm đống nợ, chưa biết tìm đâu ra tiền để trả”. Tại xã Thành Trung, hàng loạt hộ trồng khoai lang chết đứng vì giá giảm bất ngờ. Chị Nguyễn Thị Đầy lo lắng, 5 nhân khẩu trong gia đình trông cậy vào 3,5 công khoai. Khoai rớt giá, dân xứ này lâm nợ là khó tránh khỏi.
Nếu như vùng trồng khoai lang nổi tiếng Bình Tân thua lỗ thì những nơi mới phát triển nghề trồng khoai như Tam Bình (Vĩnh Long); Cờ Đỏ (Cần Thơ)… càng khốn đốn hơn. Ông Nguyễn Văn Quẹt, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), cho biết khoảng 350 - 400ha khoai lang của xã đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Ngoài chuyện rớt giá thì nông dân còn khốn khổ khi bị thương lái chê khoai xấu, khoai lớn… để loại bỏ từ 50% - 70% khoai không đạt loại 1, đẩy nông dân vào cảnh thê thảm hơn.
Giá khoai sụt thê thảm khiến nông dân điêu đứng
Sập “bẫy” thương lái
Còn nhớ thời điểm tháng 9-2011, khoai lang tím Nhật lên cơn “sốt giá” với khoảng 1 triệu đồng/tạ. Lúc đó nông dân thu nhập từ 450 - 500 triệu đồng/ha khoai lang, mức cao chưa từng có. Chính giá khoai lang béo bở đã đưa phong trào trồng khoai phát triển rầm rộ ở nhiều nơi. Không ít nông dân mạnh dạn phá bỏ đất trồng rau màu, bỏ lúa đông-xuân… để trồng khoai hy vọng làm giàu.
Ông Ngô Thanh Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), thừa nhận: “Diện tích trồng khoai lang bùng nổ thời gian qua khiến huyện rất lo lắng, bởi thực tế lâu nay Cờ Đỏ không có thế mạnh trồng khoai và cây khoai cũng không nằm trong kế hoạch phát triển của huyện. Sở dĩ diện tích khoai lang ở Cờ Đỏ lên đến 600 - 700ha là do người dân Vĩnh Long, Đồng Tháp… sang thuê đất trồng khoai. Chúng tôi đã lưu ý tình trạng ùn ùn trồng khoai sẽ dẫn đến cung vượt cầu và giá rớt, bởi đầu ra chủ yếu phụ thuộc thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, người dân vẫn cứ trồng khoai và nay dẫn đến hệ lụy”.
Theo ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), có quá nhiều rủi ro, bất cập trong việc mở rộng tràn lan diện tích khoai lang ở ĐBSCL. Nếu như thị trường nội địa thường ăn khoai lang trắng, khoai sữa, khoai bí… thì thương lái Trung Quốc sang đẩy giá khoai lang tím Nhật lên cao chót vót nhằm kéo nhiều hộ làm theo.
Khoai lang tím Nhật từ chỗ ít ai trồng thì nay chiếm 80% - 90% diện tích. Khi sản lượng quá dư thừa, họ đè giá xuống thấp và nông dân là người lãnh đủ; bởi đầu ra của khoai tím Nhật do thương lái Trung Quốc thao túng, họ muốn mua giá nào tùy thích. Cũng theo ông Luận, trước đây khoai nhỏ, khoai lớn thương lái Trung Quốc đều mua. Gần đây do sản lượng khoai quá nhiều nên họ chuyển sang mua khoai loại nhỏ từ 3 củ/kg trở lại, khoai lớn họ không mua. Trong khi giá thấp nên nhiều hộ trồng khoai không dám thu hoạch sớm mà cố neo lại chờ giá, càng neo - khoai càng lớn và bị thương lái chê, giảm giá thu mua khiến dân lỗ nặng.
Thật ra nhiều tháng qua, các ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân cẩn trọng khi thương lái Trung Quốc nâng giá khoai lên 1 triệu đồng/tạ một cách khó hiểu. Tuy nhiên, nhiều hộ vì cái lợi trước mắt vẫn cứ làm và nay bị “sập bẫy”.
Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, cho rằng cái khó hiện nay là chưa có bất kỳ một doanh nghiệp trong nước đứng ra thu mua và xuất khẩu khoai lang. Do không ai cạnh tranh nên các thương lái Trung Quốc gần như quyết định toàn bộ về giá cả, mua nhiều, mua ít… tùy thích. Mặt khác, về quản lý Nhà nước cũng chưa chặt chẽ, còn những kẽ hở trong việc kinh doanh khoai lang của thương lái Trung Quốc; để họ nắm rất rõ về các vùng trồng khoai ở ĐBSCL nên dễ dàng thao túng giá cả.
Để tránh tình trạng bị thương lái Trung Quốc ép giá, ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành đề xuất, các ngành chức năng sớm quy hoạch diện tích, sản lượng, lịch thời vụ… khoai lang một cách hợp lý, tránh cung vượt cầu. Tính toán thành lập công ty cổ phần chuyên thu mua và xuất khẩu trực tiếp khoai sang Trung Quốc. Công ty này sẽ từng bước giảm việc thao túng của thương lái Trung Quốc, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thương hiệu mặt hàng khoai lang khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.