Thương lái TQ: Trước dễ dãi, sau lật lọng!

Sau cua biển Năm Căn Cà Mau, sầu riêng Tam Bình (Tiền Giang), khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long), nay thương lái Trung Quốc tiếp tục “ra chiêu” với khóm ở Tân Phước (Tiền Giang).

Ngày 28-5, ông Tám Bé ở ấp Tân Phong (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, Tiền Giang) kêu thương lái cân khóm với giá 2.800 đồng/kg. Hỏi ông vì sao thương lái Trung Quốc thu mua khóm đến 6.000 đồng/kg mà ông không bán, ông cười khẩy: “Mấy ông Trung Quốc ngưng mua khóm gần một tuần lễ rồi. Mà nếu mấy ổng còn mua, tui cũng không bán. Chơi với thương lái Trung Quốc nhiều thiệt thòi lắm”.

Né tay Trung Quốc

Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX trồng khóm ở xã Tân Lập 2, kể: Những ngày qua có hai thương lái người Việt liên tục đến nài nỉ nông dân trong HTX bán khóm cho họ để cung cấp cho thương nhân Trung Quốc. Họ hứa mua vài chục tấn/ngày, 4.000 đồng/trái khoảng 1 kg, trái lớn giá cao hơn. Nông dân và HTX đề nghị ký kết hợp đồng mua bán cụ thể thì họ từ chối. Nông dân thấy không có gì chắc ăn nên không bán.

Nhiều chủ ruộng khóm ở xã Tân Lập 2 cho biết trước đó có một người Trung Quốc đi với phiên dịch vào tận ruộng khóm đặt vấn đề thu mua số lượng lớn. Xem xong ông này chê khóm trái quá nhỏ, đề nghị nông dân mua một loại thuốc do ông ta cung ứng, bảo đảm sau khi phun thuốc trái khóm sẽ đạt trọng lượng trên 1 kg/trái, lúc đó thương lái Trung Quốc sẽ thu mua hết.

Theo ông Thành, “nông dân xã Tân Lập 2 đang rất cảnh giác với Trung Quốc. Nông dân bán khóm có tập quán chỉ bán cho mối quen, ai khác trả giá cao cũng không bán. Nếu mình tham giá cao, mất uy tín, sau này không ai mua nữa thì mình bán cho ai?”.

Trả giá cao rồi… vọt lẹ!

Những đầu mối thu mua khóm ở huyện Tân Phước cho biết khoảng đầu tháng 5, các thương lái người Trung Quốc đặt điểm thu mua khóm suốt ngày đêm ở bãi gỗ đầu cầu Kênh Xáng thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang). Trong khi giá khóm lâu nay chỉ khoảng 3.000-3.200 đồng/kg thì thương lái Trung Quốc mua với giá 4.400 đồng/kg loại khóm 1,1 kg, 6.000 đồng/kg loại khóm 1,3 kg. Thương lái người Việt chở khóm đến, cân bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, không cò kè.

Thế nhưng sáng 28-5, chúng tôi tìm đến điểm thu mua khóm, bãi đất vắng hoe. Một người dân trong khu vực cho biết thương lái Trung Quốc đã ngưng thu mua khóm năm ngày trước.

Một đầu mối thu mua khóm ở xã Phước Lập (huyện Tân Phước) cho biết: “Hôm trước tui chở ra hơn một tấn khóm, mấy ổng gật đầu nói “hảo, hảo” lia lịa, trả tiền cái rụp. Lần thứ hai chở khóm ra, mấy ổng xua tay từ chối. Báo hại tui chở ghe khóm gần hai tấn trở về bán chợ, lỗ sở hụi”.

Thương lái TQ: Trước dễ dãi, sau lật lọng! - 1

Nông dân xã Tân Lập 2 (Tân Phước, Tiền Giang) chấp nhận bán khóm cho thương lái người Việt với giá 2.800 đồng/kg chứ không bán cho thương lái Trung Quốc

Sầu riêng, khoai, khóm…

Thương lái khóm có thể chở khóm về bán chợ là còn may mắn hơn nhiều thương lái khoai lang ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long.

Ông D., một đầu mối cung cấp khoai lang cho thương nhân Trung Quốc ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân đang kẹt gần 1 tỉ đồng nợ chưa đòi được. Ông kể: “Làm ăn giao dịch lâu nay chủ yếu qua điện thoại và lòng tin, chẳng có hợp đồng mua bán. Gần đây thì họ biến mất khiến hàng chục thương lái ở Bình Tân tá hỏa vì không biết tìm họ ở đâu để đòi nợ”.

Theo các đầu mối, số “nợ khó đòi” đã gần 10 tỉ đồng. Ông T., một chủ vựa khoai ở huyện Bình Tân, ngao ngán kể: “Ban đầu họ mua giá cao, trả tiền sòng phẳng. Lâu ngày họ trở mặt, chê khoai kém chất lượng, trả giá thấp, không bán thì chở khoai về, đành phải bấm bụng bán nhưng phải gối đầu (giao hàng đợt sau mới thu được tiền đợt trước)”.

Ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân), cho biết thương nhân Trung Quốc đẩy giá khoai tím đến 1 triệu đồng/tạ khiến nhà nhà đua nhau trồng khoai. Diện tích khoai của xã tăng hơn 1.700 ha. Sau đó giá khoai rớt xuống dưới 200.000 đồng/tạ, nhà nông vẫn phải bán vì không thể neo khoai quá lứa trên ruộng. Hàng ngàn hộ dân lỗ từ 80 triệu đồng/ha (đất nhà) đến hơn 100 triệu đồng/ha (đất thuê).

Huyện sẽ xem xét…

Không thể ngăn cấm thương nhân Trung Quốc thu mua khóm hoặc mở điểm thu mua tại địa phương. Huyện sẽ xem xét kỹ vấn đề hợp đồng mua bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Ông NGUYỄN THANH QUÝ,
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước

Ngành nông nghiệp chỉ có thể khuyến cáo

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, không chỉ riêng nông sản mà các lĩnh vực thủy sản như cua, lâm sản như gỗ sưa, cây ngâu… cũng bị.

Các cơ quan nông nghiệp cũng chỉ làm được đến mức khuyến cáo, thông báo cho nông dân cảnh giác. Việc kiểm tra thương lái, mua bán giao dịch như thế nào thì cần Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh kiểm tra, rà soát mới có kết quả giúp được người nông dân.

Ông ĐỖ VĂN NAM, Cục trưởng Cục Chế biến Nông
Lâm Thủy sản và Nghề muối

Tìm hiểu kỹ đối tác

Giao thương mua bán với người Trung Quốc là chuyện bình thường. Điều không bình thường là nhà nông và thương lái Việt Nam vì quá cả tin nên khi giao dịch mua bán không chịu làm hợp đồng rõ ràng cụ thể, không tìm hiểu kỹ nguồn gốc, địa chỉ của đối tác phía Trung Quốc, cuối cùng gánh chịu nhiều thiệt hại.

TS LÊ HỮU HẢI, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang

Hợp đồng cũng chẳng ăn thua

Có nhiều ý kiến cho rằng nông dân cần làm hợp đồng mua bán, ký kết rõ ràng với thương lái Trung Quốc thì sẽ đảm bảo.

Tôi cho rằng giải pháp này không hiệu quả. Tập quán của nông xưa nay là thỏa thuận miệng, “tiền trao cháo múc”. Dẫu có khuyến cáo, đưa hợp đồng đến tận tay thì chưa chắc nông dân chịu ký.

Chỉ có cách là chính quyền địa phương vào cuộc, kiểm tra chặt những thương lái Trung Quốc mua nông sản tại địa phương. Điều tra nguồn gốc các thương lái rõ ràng mới cho thu mua.

TS VÕ MAI, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Làm trực tiếp với doanh nghiệp

Sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện quá phụ thuộc vào thương lái. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thương lái thao túng thị trường, ép giá. Thương lái đổ nợ thì nông dân vạ lây.

Chỉ có cách doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân, nông dân có đất, doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cử nhân viên hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch, doanh nghiệp phải trả công cho nông dân. Hình thức khác là nông dân tự lo, tự trồng nhưng có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đàng hoàng, đảm bảo doanh nghiệp thu mua xứng đáng.

PGS-TS NGUYỄN MINH CHÂU, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hùng Anh - Quang Hưng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN