Thương lái mua cau non bán sang TQ: Nông dân có lợi gì?

“Huyện Phong Điền có khoảng 12.000 cây cau, thường bán ở các chợ nhỏ, giá không cao. Tuy nhiên, khi thương lái thu mua cau non với giá 30.000 đồng/kg là có lợi cho nông dân”...

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Chiều 9/7, trong kỳ họp thứ 16, HĐND khoá VIII, nhiều đại biểu chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT về việc thương lái nước ngoài, nhất là thương lái Trung Quốc đã xuống huyện Phong Điền tận thu cau non.

“Thời gian qua, tại các tỉnh ĐBSCL, thương lái còn mua cam non hay khoai lang bán sang Trung Quốc đã gây xáo trộn nền sản xuất. Vậy ngành nông nghiệp Cần Thơ có giải pháp gì trước việc này?”, một đại biểu hỏi.

Trả lời, ông Quỳnh cho rằng, khi có thông tin thương lái thu mua cau non bán sang Trung Quốc, ngành có nắm tình hình và được địa phương báo cáo là việc thu mua này không có vấn đề gì.

“Huyện Phong Điền có khoảng 12.000 cây cau, thường bán ở các chợ nhỏ, giá không cao. Tuy nhiên, khi thương lái thu mua cau non với giá 30.000 đồng/kg là có lợi cho nông dân”, ông Quỳnh nói.

Cũng theo ông Quỳnh, sau vụ việc này, UBND TP Cần Thơ gửi công văn cho sở yêu cầu sở và UBND quận, huyện trên địa bàn theo dõi chặt chẽ và có biện pháp ngăn chặn tình trạng thương lái thu mua nông sản bất thường. Đồng thời, phải tuyên truyền cho người dân hiểu được thủ đoạn của thương lái, đề cao cảnh giác và không tiếp tay cho hoạt động mua bán làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Thương lái mua cau non bán sang TQ: Nông dân có lợi gì? - 1

 Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ khẳng định khi thương lái thu mua cau non với giá 30.000 đồng/kg là có lợi cho nông dân.

Các đại biểu cũng quan tâm đến việc từ đầu năm nay, trên địa bàn TP xảy ra nhiều vụ sạt lở tại nhiều quận, huyện như: bờ sông Rạch Cam, Mỹ Khánh…

Ông Quỳnh giải thích: “Gần 5 năm nay, ngành đã thực hiện một số giải pháp: Vận động bà con giảm tải ở bờ sông, hạn chế cất nhà gần bờ, cấm biển cảnh báo, làm kè những nơi tập trung khu dân cư. UBND TP đã giao ngành nông nghiệp nghiên cứu tạo loại cây để thích hợp trồng bờ sông nhằm hạn chế sạt lở xảy ra”.

Nhiều người dân khẳng định, thương lái về tận vườn thu gom cau non là để bán lại cho thương nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, ở các điểm thu mua, không bao giờ thấy bóng dáng người Trung Quốc. Một chủ vựa cho hay, những người này chủ yếu mua thông qua đặt hàng bằng điện thoại với đầu mối ở địa phương.

Những người này đặt hàng, sau đó chở cau ra các tỉnh phía Bắc. Họ cũng không tiết lộ mục đích thu mua cau non. Ngoại trừ cau cảnh, các giống thông thường như cau ớt, hòn, vú bò... đều được thu gom hết. Giá mỗi kg loại 50-60 quả/kg khoảng 30.000 đồng. Tiền hàng sẽ được ứng cho người dân theo từng đợt, khoảng 5-10 triệu đồng một ngày.

Không rõ mục đích thu mua của các thương lái, song từ sáng, các lái cau tỏa ra mua ở khắp các các quận, huyện lân cận như Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai (Cần Thơ), đến cả các huyện Châu Thành, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang và An Giang. Những người này đi từ sáng tới chiều, gom 15-25 kg cau non một người.

Mỗi vựa một ngày thu mua bình quân trên 1 tạ cau. Giá cả buồng tính ở vựa là 24.000-34.000 đồng/kg. Còn nếu thu mua tại vườn, thương lái chỉ trả 15.000-20.000 đồng/kg. Sau đó, các chủ vựa sẽ thuê nhân công sơ chế cau với tiền công 2.000 đồng/kg. Việc sơ chế này gồm các công đoạn cắt từng quả ra khỏi buồng sao cho mỗi quả còn dính phần cuống dài 20 cm. 

Ngoài ra, vựa còn chịu chi phí đóng thùng và vận chuyển. Với loại đẹp, nhà vườn đang bán 4.000 đồng/kg (khoảng 12-13 quả), rẻ hơn 4 lần so với cau non. Tuy nhiên, những ngày qua, có lẽ do tác động “ăn theo” cau non nên giá bán loại trái này tăng lên 40.000 đồng một chùm 16 quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN