Thương hiệu gạo Việt: 30 năm vẫn loay hoay

Gần 30 năm xuất khẩu gạo, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo Việt trên thế giới. Báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi lên Thủ tướng, mới đây đề cập đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, với kỳ vọng gạo Việt sẽ có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hai bộ chủ lực còn yếu về phát triển thị trường

Theo Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, trong đó tới 90% là từ vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu năm 2006, cả nước chỉ xuất khoảng 4,7 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, thì đến năm 2014, xuất khẩu gạo khoảng 6,5 triệu tấn, giá trị 2,85 tỷ USD.

Thương hiệu gạo Việt: 30 năm vẫn loay hoay - 1

Gần 30 năm qua, Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới Ảnh: Phương Chăm.

Tuy số lượng xuất khẩu hằng năm lớn, nhưng theo các doanh nghiệp (DN), thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn dồn dập, bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Lý do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là do chưa có thương hiệu. Thực tế, điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là thiếu đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%. 

Gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường chủ yếu gạo trắng, hạt dài, nhưng không có tên giống. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam lâu nay chủ yếu tới các nước Nam Á và Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh. Chưa kể, một lượng gạo khá lớn lâu nay xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc (thị trường dễ tính, với trung bình hằng năm cũng trên 1-1,5 triệu tấn).

Theo các chuyên gia, tham gia các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU)… sẽ giúp gạo Việt Nam thâm nhập vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU. Tuy nhiên, mối lo về chất lượng, an toàn thực phẩm và mức độ định vị sản phẩm trên thị trường các nước, khiến gạo Việt Nam gặp nhiều thách thức.

Mặt khác, sự chủ động xây dựng các kênh phân phối, tiếp cận thị trường quốc tế theo các kênh hàng riêng của DN còn hạn chế, nên khả năng định vị gạo Việt Nam với người tiêu dùng các nước còn yếu.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo, cho rằng, gạo xuất khẩu Việt Nam lâu nay được hệ thống thương lái thu gom từ nhiều nơi, nhiều loại giống; sau đó DN chế biến, đấu trộn đem đi xuất khẩu. Gạo trộn “năm cha bảy mẹ” như thế, không thể đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, từ đó không có sản phẩm để đi xúc tiến thương mại.

GS Xuân chia sẻ, có lần ông đi hội chợ tại Thái Lan mà thấy chạnh lòng, khi thấy hơn chục thương hiệu gạo, thậm chí cả Campuchia cũng có công ty xuất khẩu tham gia; trong khi Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, lại không có doanh nghiệp nào góp mặt.

Thực tế, lâu nay, việc xúc tiến thương mại cho lúa gạo (cũng như nhiều nông sản khác) từ hai bộ chủ lực Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT còn yếu, thiếu chiến lược dài hơi, tạo động lực cho DN xuất khẩu gạo có chất lượng.

“Mất mấy lứa bò, mới lo làm chuồng”

Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để xây dựng được thương hiệu lúa gạo, cần củng cố lại hệ thống giống cho tốt, xây dựng vùng nguyên liệu sử dụng giống đó, liên kết chặt chẽ hộ nông dân với các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào và xuất khẩu.

Ông Dư cũng cho rằng, gạo thơm Việt Nam có thể dùng tên như “Jasmin Rice” hoặc “Mekong Rice” hay “Thơm Việt Nam”… Thương hiệu là ổn định lâu dài, 5 năm, 10 năm, thậm chí hàng chục năm. “Chúng ta muốn làm thương hiệu gì, gạo thơm hay gạo trắng hạt dài, phải có quy chuẩn quốc gia. Sau đó làm logo và quy chế sử dụng logo, ông nào làm đúng, sẽ cho sử dụng logo để xuất khẩu, không thì thôi”, ông Dư nói.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng, phải làm tốt khâu thị trường, tổ chức lại sản xuất mới nói đến thương hiệu được. “DN xuất khẩu phải biết người Nhật, châu Âu, Bắc Mỹ… thích ăn gạo gì, khẩu vị ra sao để làm theo đặt hàng của họ. Sau đó, DN tổ chức vùng nguyên liệu, đặt hàng nông sản xuất giống nào, tỷ lệ thuần bao nhiêu, tiêu chuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu, rồi giá cả ra sao mới ra được”, TS Bảnh nói.

Theo vị chuyên gia Viện Lúa, gạo thương hiệu phải có nhãn mác, mã vạch, tiêu chuẩn. Khi mua sẽ biết gạo đó thơm, ngon, dẻo, cỡ nào và chất lượng một tấn cũng như một triệu tấn, phải giống nhau. “Chứ làm thương hiệu rồi, mà chất lượng bao này khác bao kia, người ta tẩy chay”- TS Bảnh cảnh báo.  Theo TS Bảnh,  ở Thái Lan, không phải cả chục triệu tấn xuất khẩu hằng năm, đều là gạo có thương hiệu. Tuy nhiên, Thái Lan có một số gạo thương hiệu như Khaodakmali, Hom Mali, họ làm đạt chuẩn, còn loại gạo trắng, họ cũng xuất xô, cạnh tranh giá với Việt Nam.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thành viên Liên minh Nông nghiệp, cho biết, lúc này, Việt Nam làm thương hiệu lúa gạo, giống như việc “mất mấy lứa bò mới lo làm chuồng”. Theo đó, muốn có thương hiệu ra thế giới, phải giải quyết “chuyện trong nhà” trước. Đó là cần tư duy và một thị trường lúa gạo hiện đại, trong đó “đấu sĩ” chính là DN tư nhân, liên kết với vùng nguyên liệu và nước ngoài để lo đầu ra, hạn chế sự can thiệp, chi phối quá lớn của DN Nhà nước.

Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, gạo Việt Nam được bảo hộ về sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia. Tổ chức sản xuất, chế biến phân bố các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản, đảm bảo đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và trực tiếp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN