Thuốc lá lậu: Tiêu hủy hay tái xuất?

Sự kiện: Kinh Doanh

“Trong hai năm 2015 và 2016, tại sáu địa bàn trọng điểm phía Nam, các lực lượng chức năng bắt giữ hơn 15.300 vụ buôn lậu với 11 triệu bao thuốc lá. Đã khởi tố hình sự 372 vụ với 471 đối tượng”.

Đây là thông tin do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo tại hội nghị chuyên đề tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá ngày 18-10.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trong năm 2015 có hơn 1 tỉ bao thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam, gây thất thu thuế 10.000 tỉ đồng. Sang năm 2016, tình hình buôn lậu thuốc lá càng thêm phức tạp, số lượng, chủng loại ngày càng tăng.

“Hiện chế tài, xử phạt đối với hành vi vận chuyển thuê chưa đủ răn đe. Những nài thuốc sẵn sàng bỏ hàng lại nếu bị bắt hoặc được đầu nậu cho tiền đóng phạt nên họ tiếp tục tái phạm” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, lý giải.

Về hình thức xử lý hàng lậu, đang có hai luồng quan điểm: Tiêu hủy như lâu nay thực hiện hay tái xuất để đỡ lãng phí. Bộ Công an đề nghị thí điểm tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu để tránh gây lãng phí, tạo nguồn thu cho Nhà nước, tránh gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh Long An cũng cho rằng việc tiêu hủy chỉ có lợi cho các nhà máy sản xuất thuốc lá ở nước ngoài.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp nhận định đề xuất thí điểm tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu chưa phù hợp với Công ước khung về phòng, chống tác hại thuốc lá mà Việt Nam đã ký kết. Mặt khác, chi phí để tái xuất vô cùng lớn, gồm chi phí bảo quản, kiểm tra giám định chất lượng, làm thủ tục tái xuất… “Đặc biệt thuốc lá lậu không có các cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới thì đố ai dám nhập” - đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị tiếp tục thực hiện phương án tiêu hủy thuốc lá bị tịch thu. Bởi trong số thuốc lá bị bắt giữ có nhiều loại sản phẩm cấp thấp, giá thành rẻ, số tiền thu được do tái xuất thấp hơn số tiền hỗ trợ tiêu hủy. Việc tìm được thị trường tái xuất cũng rất khó khăn bởi phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao chỉ đạo truy tô,́ xét xử kịp thời các vụ buôn lậu thuốc lá nhằm răn đe người có ý định tham gia vào. TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn tòa án các cấp xét xử hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá lậu theo quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu, Phó Thủ tướng đưa ra hai giải pháp. Nếu là thuốc lá giả, không đảm bảo chất lượng theo quy định thì phải tiêu hủy. Với những loại thuốc lá có chất lượng, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ Công Thương, Quốc phòng, Tư pháp… đề xuất biện pháp xử lý theo hướng tái xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN