Thung lũng hoang vắng trồng mướp đắng rừng, bán cả lá, thân, quả
Giữa một vùng đá núi hoang vu, những cây mướp đắng rừng cứ thế sinh sôi, phát triển xanh tốt. Loại trái cây có vị đắng đặc trưng của cây rừng đang là loại cây trồng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân đồng bào các dân tộc ở huyện Xín Mần (Hà Giang).
Là một trong những hộ tiên phong trồng 2.000m2 mướp đắng rừng (khổ qua rừng), anh Vàng A Tường ở thôn Táo Thượng, xã Bản Ngò, huyện Xín Mần có thu nhập hơn 20 triệu đồng từ vụ đầu tiên, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Nhìn thấy hiệu quả kinh tế cao do mướp đắng rừng mang lại, nhiều hộ xung quanh cũng tìm hiểu và đang dần “bén duyên” với loại cây dược liệu này.
Cây mướp đắng rừng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nông hộ ở Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Cùng thôn Táo Thượng, hộ bà Vàng Mỳ Chiêm (dân tộc Tày) trước đây trồng ngô, lúa nhưng năng suất bấp bênh do không chủ động được nguồn nước tưới. Năm nay, bà Chiêm cũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mướp đắng rừng với diện tích hơn 1.000m2.
Bà Chiêm chia sẻ, việc chăm sóc cây mướp đắng rừng không khó bởi đây là cây trồng mọc trong tự nhiên, có sức kháng bệnh, chịu hạn tương đối tốt nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc và chi phí phân bón. Trồng cây mướp đắng rừng một năm có thể duy trì nhiều năm mà không cần trồng lại.
Ruộng mướp đắng rừng nhà bà Chiêm trồng từ trồng tháng 2, đến thời điểm này đã sắp được thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Ông Vàng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Bản Ngò cho biết, Bản Ngòi là một trong 8 xã thí điểm trồng mướp đắng rừng trên địa bàn huyện Xín Mần. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc.
Năm 2018 huyện Xín Mần đã mở rộng diện tích trồng mướp đắng rừng lên trên 11 ha. Hiện nay đã thu hút được một doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến cây mướp đắng rừng với công nghệ sấy lạnh. Các sản phẩm được chế biến từ mướp đắng rừng ở Xín Mần đã được sản xuất gồm có trà khổ qua túi lọc, trà khổ qua rừng thái lát và quả khổ qua rừng nguyên chất.
Mướp đắng rừng trồng ở Xín Mần cho năng suất khá ổn định, đạt 4-5 tấn/ha. Sau khi bán quả tươi với mức giá 20.000 đồng/kg, khi hết quả thì tận dụng bán thân và lá phơi khô với mức giá 30.000 đồng/kg bà con có nguồn thu 100-120 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Vàng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Bản Ngò dân PV tham quan mô hình trồng mướp đắng rừng. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Để khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm cây mướp đắng rừng, huyện Xín Mần đang chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm và mở rộng thị trường. Đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng mô hình liên kết trồng, chế biến, bảo quản giữa người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2019, huyện Xín Mần định hướng mở rộng diện tích trồng khổ qua rừng lên thành 50 ha. Thung lũng hoang vắng ở huyện Xín Mần rồi đây sẽ xanh màu xanh cây dược liệu, trong đó có cây mướp đắng rừng.
Từ năm 2017, huyện Xín Mần phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các vùng trồng mướp đắng rừng tập trung. Qua 2 năm triển khai, đánh giá cho thấy cây mướp đắng rừng sinh trưởng và phát triển tốt, thích ứng với các điều kiện khí hậu của địa phương, nhiều hộ dân nhờ trồng mướp đắng rừng đã cải thiện được thu nhập. Trên cơ sở đó, năm nay huyện Xín Mần tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư công nghệ chế biến mướp đắng rừng để nâng cao giá trị cây mướp đắng rừng trên địa bàn. |
Với hơn 2.000 cây bơ giống 034 trồng xen canh cà phê và chè, cùng với việc bán giống bơ, gia đình ông Nguyễn Văn Dậu (51...