Thuế tăng, hết hy vọng mua ô tô bán tải giá rẻ

Sự kiện: Giá xe ô tô

Giá ô tô bán tải sẽ tăng cao và sức mua ô tô sẽ giảm mạnh nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới.

Bộ Tài chính ngày 15-8 cho hay đã đề nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe bán tải) bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh, tức là 33%.

Thị trường ô tô được dự báo sẽ chịu tác động lớn trước đề xuất trên của Bộ Tài chính. Bởi hiện nay mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe này là 15%-25%. Nếu áp dụng mức thuế mới theo đề nghị của Bộ Tài chính thì mức thuế tiêu thụ ô tô bán tải có thể sẽ đội lên gấp đôi, đẩy giá mỗi chiếc xe bán tải tăng thêm khoảng 100-200 triệu đồng.

Người mua xe chịu thiệt

Lý giải về việc đề xuất tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô bán tải, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho rằng qua nghiên cứu nhận thấy vài năm trở lại đây, xe bán tải nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, thời điểm năm 2012, Việt Nam chỉ nhập khẩu 3.211 xe bán tải nhưng đến năm 2016 số xe nhập khẩu tăng lên đến 28.233 chiếc, đa phần từ Thái Lan.

Ngoài ra, do loại xe này có mức thuế thấp hơn so với ô tô chở người có cùng số chỗ (xe SUV có thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng có dung tích xi lanh 2.500 -3.000 cm3 là 55%) nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang dùng xe bán tải.

“Do vậy, để đảm bảo đúng mục đích sử dụng xe, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt xe bán tải bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Mặt khác, để góp phần định hướng tiêu dùng và điều chỉnh trong bối cảnh nợ công tăng cao, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải” - ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, nói.

Thuế tăng, hết hy vọng mua ô tô bán tải giá rẻ - 1

Giá ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe bán tải) dự báo sẽ tăng mạnh nếu áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt như đề nghị của Bộ Tài chính. Ảnh: QUANG HUY

Đề nghị tăng thuế này khiến nhiều nhà kinh doanh, nhập khẩu ô tô lo lắng. Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, nhận định giá dòng xe bán tải sẽ tăng mạnh cả trăm đến hơn 200 triệu đồng/chiếc nếu đề nghị của Bộ Tài chính được áp dụng.

“Riêng những dòng xe bán tải dung tích động cơ từ 3.0L hiện có giá hơn 800 triệu đồng/chiếc tùy hãng, nếu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng gấp đôi, giá những chiếc xe này tăng lên mức hơn 1 tỉ đồng/chiếc. Khi đó doanh số bán hàng dòng xe này sẽ sụt giảm mạnh. Còn những mẫu xe bán tải có giá mềm hơn, khoảng 600 triệu đồng/chiếc với dung tích động cơ dưới 2.5L, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá xe tăng lên khoảng 700 triệu đồng/chiếc” - ông Trường phân tích.

Giá ô tô nội sẽ giảm

Bộ Tài chính đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước như linh kiện, phụ tùng.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cho biết hiện nay vẫn phải nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện, phụ tùng với mức thuế nhập khẩu 15%-18%. Đây là lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong ASEAN. Do vậy, việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những linh kiện mà Việt Nam sản xuất được sẽ giúp giá thành sản xuất xe trong nước giảm.

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng của Toyota Việt Nam, nhận định việc điều chỉnh lại mức thuế đối với xe bán tải là hợp lý vì dòng xe này đã sử dụng phổ biến như ô tô dưới chín chỗ thông thường. Chưa kể dung tích động cơ lớn, xe cỡ lớn mà ưu đãi hơn xe dung tích nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu là không ổn.

Tuy vậy, bà Hiền cũng cho rằng nên xem lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, vì nếu tăng gấp đôi so với mức thuế hiện tại thì “quá cao”.

Lo sức mua ô tô tải giảm sâu

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), bảy tháng đầu năm nay, toàn thị trường có gần 13.600 xe bán tải được bàn giao đến tay khách hàng cả nước. Đáng chú ý, doanh số tiêu thụ của dòng xe bán tải trong bảy tháng qua chỉ đứng sau hai dòng xe là Sedan và xe đa dụng SUV. Tuy vậy, sức tiêu thụ ô tô bán tải trong tháng 7 vừa qua đột ngột sụt giảm 6% khi chỉ có 2.092 xe được tiêu thụ. 

“Trong lúc thị trường ô tô đang chững lại, sức tiêu thụ giảm mạnh, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, chắc chắn ô tô bán tải sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Mạnh Tấn, đại diện một công ty kinh doanh ô tô, dự báo.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu khác cho rằng dù thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh thì dòng xe bán tải dưới 2.5L vẫn sẽ được người tiêu dùng đô thị sử dụng vì buộc phải mua để phục vụ nhu cầu kinh doanh. Còn những dòng xe bán tải cỡ lớn trên 3.0L thì có thể chỉ những khách hàng có nhu cầu vận chuyển, đi lại địa hình đồi núi mua nhưng sức tiêu thụ chắc chắn sụt giảm.

“Nhiều nước trong khu vực thường áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô bán tải ở mức thấp hơn so với ô tô chở người dưới chín chỗ. Trong khi Việt Nam không hiểu sao lại đề xuất tăng mạnh thuế với dòng xe này” - đại diện nhà nhập khẩu trên nêu quan điểm.

Đánh thuế là đánh vào túi tiền người dân

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước ngọt gồm loại có gas, không gas, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp - trừ nước trái cây và rau quả có 100% tự nhiên - vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, phương án 1: Mức thuế áp dụng là 10% từ năm 2019 và phương án 2 là 20% từ năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nước ngọt gồm có gas, không gas, nước tăng lực, trà, cà phê đóng gói cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể tác động đến kinh tế, sức khỏe. “Lý do Bộ Tài chính đưa ra để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt mới từ một phía. Bên cạnh đó, việc Bộ đưa ra so sánh với các nước khác trong khu vực có đặc thù kinh tế, thu nhập khác với Việt Nam để áp thuế là chưa thỏa đáng. Do đó, cơ quan quản lý nên xem xét, cân nhắc việc áp thuế này” - ông Việt đề xuất.

Cũng theo ông Việt, khi đề cập đến thuế nghĩa là nhắm tới túi tiền người dân cho dù ở bất cứ mặt hàng nào. Việc tăng thuế, áp thuế sẽ tác động rất lớn đến DN và cộng đồng khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên và người mua hàng phải gánh chịu.

Lãnh đạo một DN đồ uống cho rằng khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt cũng sẽ khiến cho nhiều DN trong nước gặp khó khăn khi cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Tăng thuế sẽ giúp ngân sách có thêm tiền nhưng lại ảnh hưởng đến sản xuất, sức tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm” - vị này nêu quan điểm.

TRÀ PHƯƠNG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN