Thuế, phí đẩy giá tour trong nước cao vọt
Nhiều hãng lữ hành sau khi báo giá tour du lịch với khách đã phải nhận sự khước từ thẳng thừng do giá quá cao so với các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, Malaysia…
Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao giá tour du lịch trong nước cứ ngày càng cao, trong khi chất lượng dịch vụ thì ngày một giảm?
“Họ nói quá đúng!”
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, kể: “Cứ đầu năm là chúng tôi báo giá các tour cho đối tác. Nhưng lần nọ, sau khi báo giá xong, đối tác chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Giá tour như thế này thì chúng tôi đi Thái Lan, Malaysia sướng hơn!”. Nghe khách nói vậy, chúng tôi không còn lời giải thích nào. Vì họ nói quá đúng. Du lịch của chúng ta dịch vụ vừa kém mà giá tour còn đắt. Cứ để mãi như thế này thì ai muốn đến Việt Nam nữa!”.
Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình, cũng nói: “Giá tour do Campuchia tổ chức đi trong nước bốn ngày ba đêm hiện khoảng 200 USD, tương đương 4 triệu đồng/khách. Trong khi giá tour của chúng ta, riêng tiền vé máy bay hai chiều hạng phổ thông TP.HCM - Hà Nội thôi đã gần 6 triệu đồng/khách, chưa kể chi phí khách sạn, ăn uống, vận chuyển… Vì vậy, sau khi báo giá, chúng tôi cũng từng bị rất nhiều đoàn khách quốc tế từ chối mua tour. Khách từ chối thì chúng tôi chỉ biết chấp nhận chứ có tự thay đổi được gì đâu”.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam những tháng qua đã giảm mạnh trong khi chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch còn quá chậm. Ảnh: HTD
Theo bà Hà, một trong những nguyên nhân khiến giá tour tăng có liên quan đến chính sách. Ví dụ, từ đầu năm 2013, Nhà nước áp dụng quy định tăng phí visa từ 25 USD lên 45 USD/khách. “Mức tăng cao như vậy thì hãng lữ hành phải tính thêm vào giá tour. Chưa hết, cũng trong năm nay, Nhà nước áp dụng quy định hạn chế niên hạn sử dụng đối với xe du lịch. Thay vì như trước đây, niên hạn của xe du lịch là 20 năm, nay còn 10 năm. Khi thời gian kinh doanh bị giảm xuống thì chắc chắn mức giá thuê xe phải tăng lên. Tính ra chi phí vận chuyển du lịch tăng thêm khoảng 20% so với trước” - bà Hà nói rõ.
Liên quan đến yếu tố chi phí vận chuyển bị đội lên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, cho biết thêm hiện thuế nhập khẩu xe du lịch cũng còn quá cao. Khi hãng lữ hành nhập xe về với giá cao thì giá tour tất nhiên bị ảnh hưởng.
Nhận định về dịch vụ khách sạn, nhiều hãng lữ hành cũng bức xúc không kém và cho rằng giá phòng khách sạn cao so với giá phòng khách sạn tương đương ở các nước lân cận. Giá phòng khách sạn ba sao ở Campuchia chỉ 25-30 USD/đêm nhưng phòng khách sạn tương đương ở Việt Nam có giá gần gấp đôi, khoảng 45-50 USD/đêm.
Kiến nghị nhiều nhưng chưa thấy trả lời
Đại diện nhiều hãng lữ hành cho rằng nếu các chính sách trên không được điều chỉnh kịp thời thì tình trạng du khách lần lượt rời bỏ là điều khó tránh khỏi.
Từ đây, ông Trần Văn Long, Công ty Truyền thông Du lịch Việt, kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch. Ví dụ, đối với xe du lịch, nên để hoạt động trong 15 năm thay vì đưa ra niên hạn 10 năm. Ngành du lịch cũng cần Nhà nước hỗ trợ thông qua giảm thuế VAT.
“Tôi được biết chính phủ Thái Lan từng có rất nhiều chính sách trợ giá cho khách du lịch như đối với phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống… Du khách tiêu nhiều tiền vào mua sắm hay dịch vụ kèm theo khác nên người dân cũng như nền kinh tế vẫn thụ hưởng được lợi ích từ du lịch. Và kết quả đã cho thấy như vậy khi trong năm vừa qua, số lượt khách du lịch đến nước này gia tăng một cách chóng mặt” - ông Long nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết riêng vấn đề niên hạn sử dụng xe du lịch thì Hiệp hội đã kiến nghị ngay từ năm 2012. Sau đó, Bộ GTVT cũng có trả lời trên báo chí có vẻ như sẽ thay đổi. Nhưng đến nay, Hiệp hội vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào về vấn đề trên.
“Còn việc giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, mới đây chúng tôi đã gửi kiến nghị lên Chính phủ. Ngoài ra, đối với mức phí visa, Hiệp hội cũng có kiến nghị gửi lên cơ quan quản lý nên quay về mức phí cũ. Tuy nhiên, tất cả kiến nghị đó đến nay đều chưa nhận được câu trả lời. Dự kiến sắp tới, Hiệp hội sẽ lại kiến nghị vấn đề liên quan đến mức phí visa vì đây là điều mà tất cả hãng lữ hành đều mong muốn” - bà Khánh thông tin.
Đội cảnh sát du lịch: Sao mãi không thấy?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, đặt ra một vấn đề: “Tại sao việc thành lập một đội cảnh sát du lịch trong những năm qua đã được nói đến quá nhiều mà vẫn không thực hiện được? Nhiều nước người ta đã làm rồi. Trong khi ngay cả người trong nước đi ra đường lúc này còn cảm thấy bất an chứ đừng nói đến du khách”.
Cũng theo bà thì để phát triển du lịch, cần có những dự án vui chơi chất lượng tầm cỡ quốc tế để thu hút du khách tham gia khi đến Việt Nam.