Thuế môi trường đánh vào xăng dầu: Quả trứng, lá rau cũng tăng giá

Sự kiện: Giá xăng

Bộ Tài chính đề xuất, từ ngày 1/7, tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên kịch khung luật cho phép. Nếu được thông qua, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 1.000 đồng cho mỗi lít xăng và thêm 1.100 đồng/lít cho một số loại dầu. Các chuyên gia đã bày tỏ sự không nhất trí bởi nếu tăng thuế này sẽ gián tiếp đẩy giá xăng dầu lên mức mới. Giá xăng tăng vì thuế sẽ khiến quả trứng, lá rau... cũng tăng giá.

Tăng kịch khung để nới khung

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế BVMT đánh lên xăng dầu. Theo đó, bộ này đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu lên kịch khung quy định của Luật Thuế BVMT từ ngày 1/7/2018. 

Cụ thể, tăng thuế BVMT với xăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít (thay cho mức 3.000 đồng/lít hiện hành); dầu diesel lên trần 2.000 đồng/lít (thay cho mức 1.500 đồng/lít hiện hành); dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn (tính theo kg) lên kịch trần 2.000 đồng/lít/kg (thay cho mức 900 đồng/lít/kg hiện hành).

Riêng với dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, ngoài phương án đề xuất tăng thuế BVMT như trên, Bộ Tài chính còn đưa ra phương án chỉ tăng lên 1.500 đồng/lít/kg. Tuy nhiên, đơn vị soạn thảo đề xuất lựa chọn tăng thuế lên kịch khung (lên 2.000 đồng) cho tất cả loại dầu, để xăng dầu có mức thuế BVMT bằng nhau (tất cả cùng kịch khung).

Riêng xăng máy bay do mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít đã kịch khung, còn dầu hỏa (mức thuế hiện là 900 đồng/lít) người sử dụng đa số là người nghèo, vùng sâu, vùng xa nên không điều chỉnh.

Thuế môi trường đánh vào xăng dầu: Quả trứng, lá rau cũng tăng giá - 1

Người tiêu dùng tiếp tục phải đóng thuế ở mức cao thông qua tiêu dùng xăng, dầu. Ảnh minh họa: Như Ý.

Theo Luật Thuế BVMT hiện hành, khung thuế BVMT với xăng là từ 1.000 đến 4.000 đồng/lít; dầu diesel từ 500 đến 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn từ 300 đến 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn 300-2.000 đồng/kg. Với đề xuất tăng thuế BVMT xăng dầu lên kịch khung, Bộ Tài chính tính toán, ngân sách nhà nước sẽ có thêm 14.863 tỷ đồng/năm. Qua đó nâng tổng số tiền thuế BVMT người tiêu dùng xăng dầu nộp cho ngân sách lên 55.591 tỷ đồng mỗi năm (tính theo khối lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2017). Do thuế BVMT được thu theo quy định cứng số tiền/lít, nên bất chấp giá xăng dầu tăng hay giảm, người tiêu dùng vẫn phải trả số tiền cố định, và số thu ngân sách từ khoản thuế này vẫn bền vững.

Trước đó, cuối năm 2016, Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi, với đề xuất tăng khung thuế với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít, xăng máy bay lên tối đa 6.000 đồng/lít, các loại dầu lên tối đa 4.000 đồng/lít/kg. Khung thuế mới áp dụng từ 1/7/2018. Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Tài chính đã dẫn đến tranh luận gay gắt kéo dài cả năm 2017. (Thậm chí, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải “nhắc nhở” Bộ Tài chính, khi để xảy ra những tranh cãi dai dẳng về đề xuất tăng khung thuế BVMT với xăng dầu). Dự thảo luật này sau đó đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cũng bị trả về để bổ sung. 

Mới nhất, ngày 11/1/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép lùi thời hạn trình Dự án Luật Thuế BVMT sửa đổi sang chương trình năm 2019 của Quốc hội (Dự Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019).

Được biết, cùng với việc Bộ Tài chính xây dựng và lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu lên kịch khung, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện hồ sơ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Tăng thuế nhằm hạn chế sử dụng xăng, dầu?

Bộ Tài chính lập luận, đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu lên kịch khung nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu cắt giảm theo các cam kết hội nhập của Việt Nam, khiến ngân sách hụt thu.

Trong đó, đáng chú ý là cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong nội khối ASEAN, Việt Nam với Hàn Quốc và ASEAN với Trung Quốc. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng khu vực ASEAN sẽ bị cắt từ 20% hiện nay xuống 8% vào năm 2021-2022, 5% vào năm 2023 và về 0% năm 2024-2027; thuế nhập khẩu xăng Hàn Quốc giảm về 10% từ năm 2018-2020 và còn 8% từ năm 2021-2027. Còn dầu diesel, mazut, dầu hỏa, nhiên liệu bay đã giảm thuế nhập khẩu khu vực ASEAN và Hàn Quốc về 0% từ năm 2016 và 2018… Trong khi đó, nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam chiếm trên 60% từ các nước ASEAN và Trung Quốc, nhập từ Hàn Quốc cũng tăng mạnh thời gian gần đây.

Năm 2016, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu khu vực ASEAN khiến ngân sách nhà nước hụt thu 8.000 tỷ đồng (chỉ thu được 5.800 tỷ đồng) so với năm 2015; hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng từ xăng nhập khẩu Trung Quốc (chỉ thu được 898 tỷ đồng). Năm 2017, dự kiến con số hụt thu ngân sách lên tới 97% so với năm trước đó. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT để bù phần ngân sách thiếu hụt trên.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước nước châu Á. Đồng thời, đơn vị soạn thảo thuyết phục các cơ quan chức năng rằng, tăng thuế cũng giúp hạn chế sử dụng xăng dầu nhằm BVMT. Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh tới mục tiêu tăng thuế nhằm tăng mức huy động xã hội đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2012-2017, tổng số thu thuế BVMT đạt 150.810 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu 25.135 tỷ đồng, có năm chiếm tới 4,2% tổng thu ngân sách nhà nước (tăng đều qua các năm). Trong đó, số thu từ xăng dầu, than đá chiếm tới 99% số thu thuế BVMT. Riêng năm 2017, thuế BVMT mang về cho ngân sách nhà nước khoảng 44.825 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN