Thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn chợ tự phát

Cơ quan chức năng của TPHCM đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý những điểm buôn bán thực phẩm tự phát với hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Tại các tuyến đường số 3, 4, 10, 12 xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn, có hơn chục sạp hàng bày đủ các loại thịt heo như sườn, giò, cốt-lếch, ba rọi… chào mời khách mua. Qua khảo sát, giá thịt heo ở đây đều rẻ hơn trong chợ từ 5.000-20.000 đồng/kg.

“Người tiêu dùng với thói quen tiện lợi và ham rẻ đang tiếp tay cho thực phẩm trôi nổi, buôn bán tự phát nơi vỉa hè, lòng lề đường và ngay trong các khu dân cư. Thực phẩm tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ngộ độc cấp tính và mạn tính cho người dùng. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người nội trợ cần là người tiêu dùng thông minh, hãy lựa chọn thực phẩm có chất lượng với xuất xứ rõ ràng tại cơ sở kinh doanh đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép”, Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM

Tại một điểm bán thịt heo vỉa hè thuộc phường Trung Mỹ Tây (quận 12), thịt được bỏ trong các giỏ nhựa để ngay trên mặt đất, một số giò heo còn mang vòng truy xuất. Dọc theo quốc lộ 22 từ đường Nguyễn Ảnh Thủ (ngã tư An Sương đến ngã tư Trung Chánh, quận 12), có 8 điểm bán thịt heo tự phát; từ ngã 4 Trung Chánh đến ngã ba Củ Cải (huyện Hóc Môn) có 9 điểm bán thịt heo. Đường Nguyễn Thị Sóc nằm trên quốc lộ này cũng có 6 điểm kinh doanh thịt heo… Các điểm kinh doanh thịt heo tự phát nói trên nhộn nhịp nhất là thời điểm từ 6 giờ đến 10 giờ và 15 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Khách mua đa phần là những người kinh doanh ăn uống bình dân, công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Một điểm chợ tự phát trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8 Ảnh: Vân Sơn

Một điểm chợ tự phát trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8 Ảnh: Vân Sơn

Góc đường Nguyễn Văn Linh (thuộc huyện Bình Chánh) ngay ở cổng chợ đầu mối Bình Điền cũng trở thành nơi tập kết của các tiểu thương mua bán, kinh doanh trái phép. Tại đây, đủ các loại thịt heo, gà, thủy hải sản, rau củ… được bày bán tấp nập.

Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn thông tin, hiện tại có tổng cộng 38 điểm bán thịt heo tự phát ở các khu vực lân cận vào chợ, sản lượng khoảng 320 con/ngày, tương đương 40 tấn (thịt và lòng heo) chiếm hơn 15% sản lượng bình quân thịt heo về chợ mỗi ngày. “Tình trạng này diễn ra từ ngày 1/10/2021, thời điểm đó chợ hoạt động chưa đồng bộ vì còn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số tiểu thương ra quốc lộ 22 mở các điểm buôn bán thịt heo. Do kinh doanh có hiệu quả nên các điểm này tồn tại tới nay” - ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Cty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho hay.

Theo đại diện Cty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, hàng hóa kinh doanh ở khu tự phát không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trước cổng chợ. Đại diện Cty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng tình trạng trên chưa được giải quyết triệt để.

Xử lý khó khăn

Hiện nay, đơn vị có trách nhiệm lớn nhất trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM là Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, bên cạnh đó là trách nhiệm phối hợp của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một phần của Sở Y tế. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các điểm kinh doanh buôn bán thực phẩm tự phát lại là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, sở đã gửi văn bản đề nghị các địa phương cần có giải pháp kiên quyết hơn để giải quyết dứt điểm hoạt động vận chuyển, kinh doanh trái phép nông sản, thực phẩm. Thực tế tình trạng buôn bán tự phát đang tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với chợ đầu mối và các chợ truyền thống, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tiểu thương.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết: “Tôi không vơ đũa cả nắm, quy chụp tất cả thực phẩm buôn bán bất hợp pháp ở vỉa hè, lòng lề đường là không an toàn vì không có số liệu và các phân tích, kiểm nghiệm để chứng minh. Tuy nhiên, những mặt hàng thực phẩm buôn bán không được quản lý, kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về hàng hóa chứa chất cấm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng” - bà Phong Lan nói.

TPHCM: Nhiều tiểu thương bỏ sạp

Dù các chợ truyền thống tại TPHCM đã hoạt động trở lại khá lâu sau thời gian giãn cách, nhưng nhiều quầy sạp, ô vựa ở chợ vẫn lặng im. Không ít tiểu thương ngậm ngùi trưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Sơn - Uyên Phương ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN