Thực phẩm chất lượng cao: Ai có quyền đưa ra tiêu chí?
Hiện nay đã có một “rừng” luật và văn bản quy phạm pháp luật xung quanh vấn an toàn thực phẩm (ATTP). Bộ Công thương cũng như Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đều đã có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm.
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) đang xây dựng Bộ Tiêu chí (đánh giá xếp hạng) về chất lượng thực phẩm. Bộ tiêu chí này được xây dựng từ năm 2016 và dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2018.
Hội, Hiệp hội có quyền đưa ra tiêu chí?
Bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) bày tỏ ý kiến không đồng tình khi cho rằng Hội DN HVNCLC hoàn toàn có thể đưa ra các chứng nhận về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp chứ không thể đưa ra tiêu chí để đánh giá chất lượng của doanh nghiệp.
Hiện nay đã có một “rừng” luật và văn bản quy phạm pháp luật xung quanh vấn an toàn thực phẩm (ATTP). Bộ Công thương cũng như Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm để cụ thể hóa việc đảm bảo vệ sinh ATTP.
“Việc khảo sát ý kiến người tiêu dùng của Hội DN HVNCLC là phù hợp,” bà Lê Thị Việt Nga nói, “Nhưng việc Hội đưa quản lý cạnh tranh vào bộ tiêu chuẩn là chưa phù hợp với hoạt động của một tổ chức xã hội như Hội DN HVNCLC, nhất là phạm vi hoạt động của Hội mới chỉ gói gọn trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh chứ chưa có chức năng hoạt động trên toàn quốc”.
Theo quan điểm của bà Nga, công tác chứng nhận nên tuân thủ theo các quy định nhà nước đã ban hành và Hội DN HVNCLC sẽ phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Việc Hội DN HVNCLC đưa ra bộ tiêu chí này là đáng hoan nghênh nhưng cần hoàn thiện lại để hoạt động đúng với chức năng nhiệm vụ của Hội cũng như phù hợp với các quy định của nhà nước, đồng thời thu hút sự quan tâm giám sát của người dân trong công tác đảm bảo ATTP”, bà Lê Thị Việt Nga nói.
Ông Vũ Thế Thành - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kỹ thuật của bộ Tiêu chí tự nguyện về chất lượng thực phẩm – phân bua: “Chúng tôi không làm thay nhà nước, nhà nước có luật về an toàn thực phẩm thì tất cả các cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ. Bộ Tiêu chí này chỉ giúp DN chứng minh được rằng họ đã tuân thủ những quy định của nhà nước”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC (trái) và bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) trao đổi ngoài lề
Không sa vào “trận đồ” mua bán danh hiệu
Để làm rõ những thắc mắc của các chuyên gia, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho rằng đây là bộ Tiêu chí tự nguyện. Thừa nhận chỉ có nhà nước mới có quyền ban hành tiêu chuẩn nhưng bà Hạnh cho rằng nhà nước cũng không khoanh vùng đối tượng được sử dụng hai chữ “tiêu chuẩn” hay “tiêu chí”.
“Chúng tôi vẫn có thể đưa ra bộ tiêu chuẩn của mình với điều kiện không thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia. Mình thích thì mình cứ xây dựng, nhưng nó không được thấp hơn so với tiêu chuẩn nhà nước đã quy định bởi nếu thấp hơn là mình vô hiệu hóa tiêu chuẩn mà nhà nước đặt ra.” Bà Vũ Kim Hạnh nói.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Ngọc, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, lại “bóc” Bộ Tiêu chí này khi dẫn chứng tiêu chí về nhà ăn trong bộ Tiêu chí. Thông tư 47 và Thông tư 30 của Bộ Y tế yêu cầu bắt buộc chủ cơ sở và những người trực tiếp chế biến phải khám sức khỏe và có xác nhận của cơ quan quản lý về an toàn VSTP. Nhưng tiêu chí của Hội DN HVNCLC đưa ra lại thấp hơn quy định hiện hành của Bộ Y tế.
“Tôi cho rằng Hội DN HVNCLC cũng cần phải xem xét cần có sự đóng góp nhiều hơn nữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần hài hòa hơn với tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành”, bà Phạm Thị Ngọc khuyến nghị.
Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng Hội chỉ đưa ra bộ tiêu chí chứ không gọi là bộ tiêu chuẩn. Bộ Tiêu chí này là một phần của Bộ Tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập. “Chuẩn” ở đây là chuẩn về chất lượng chứ không phải là tiêu chuẩn. Các DN muốn đạt được bộ tiêu chí này sẽ tự nguyện đăng ký và tự nguyện công bố tất cả những tiêu chuẩn mình theo và hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo chất lượng sản phẩm của DN.
“Doanh nghiệp nào đăng ký chúng tôi mới bắt đầu đưa vào quá trình xem xét để công nhận. Chúng tôi đang đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu nhãn hiệu giống như việc chúng tôi chứng nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn suốt 20 năm qua”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết.
Bà Hạnh cũng khẳng định sẽ chứng minh được nguồn tài chính để duy trì hoạt động chứ không yêu cầu DN nộp tiền khi được cấp chứng nhận.
“Trong một trận đồ bát quái mua bán danh hiệu như hiện nay, những cuộc mua bán hư danh đã trở nên quá nhộn nhịp và chúng tôi không muốn có sự hiểu nhầm trong việc này. Vì vậy suốt 20 năm qua chúng tôi không lấy tiền của doanh nghiệp trong quá trình trao cho họ danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Trong một tình hình mới, nếu cứ nói thực phẩm này thực phẩm kia an toàn lắm thì không có cơ sở khoa học, do đó chúng tôi mới cung cấp cho DN một danh hiệu đã đăng ký một tiêu chuẩn chất lượng do chính DN đăng ký và chúng tôi xem xét, nhìn nhận và cấp cho DN chứng nhận đó. Đó là do Hội DN HVNCLC cấp và chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm”, bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.
Mục đích của bộ tiêu chí này là tổng hợp chuẩn chất lượng của các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế để đáp ứng không chỉ thị trường trong nước mà cả ở thị trường quốc tế. Bộ tiêu chí này cũng mới chỉ dừng lại ở việc tham vấn ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp, chứ chưa công bố một cách chính thức.
“Xin các anh chị làm quản lý nhà nước hãy yên tâm, chúng tôi chỉ trích dẫn và vận dụng toàn bộ quy định của nhà nước và của các quốc gia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt Nam. Chúng tôi cũng không có chức năng tạo ra các tiêu chuẩn mới mà chỉ tổng hợp lại một cách phổ quát để chứng nhận DN đã tuân thủ tiêu chí này. Đây là bộ tiêu chí do chúng tôi cấp, uy tín của bộ tiêu chí này như thế nào sẽ do xã hội, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhìn nhận,” bà Hạnh kết luận.