Thực phẩm bẩn TQ tung hoành, vì sao?
Cơ chế quản lý lỏng lẻo, chồng chéo, chế tài quá lạc hậu… tạo nhiều kẽ hở cho hàng kém chất lượng Trung Quốc tung hoành.
Theo Hải quan TPHCM, lâu nay các mặt hàng mứt trái cây, trái cây chế biến (xếp vào nhóm hàng thực phẩm) Trung Quốc (TQ) nhập khẩu không qua cảng ở TP. Phần lớn nguồn hàng này được vận chuyển vào TPHCM từ các cửa khẩu phía Bắc, việc kiểm soát khá khó khăn.
Tưởng chặt, hóa lỏng
Mặc dù vậy, thực phẩm TQ giá rẻ nhìn bằng mắt thường đã thấy không an toàn, vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường. Chị Trần Minh Thi, chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh bánh kẹo tại TPHCM, cho biết thực phẩm TQ bán tại Việt Nam rất rẻ, các đầu nậu chào mẫu mới liên tục, giao hàng tận nơi và bao luôn việc hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn.
Nhiều đầu nậu chào hàng thực phẩm TQ giá rẻ hơn hàng trong nước 20% - 30% và “bao” hàng tận nơi, hóa đơn đầy đủ. Ở các chợ, tiểu thương chỉ cần ngồi tại sạp, khoảng vài ngày là có xe chở hàng từ các đầu mối giao tận nơi, cho gối đầu tiền hàng dài ngày nên tiểu thương thích mua bán...
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết chi cục đang phải tập trung lực lượng kiểm tra, lấy mẫu kẹo TQ (đặc biệt là mẫu kẹo hình điếu thuốc lá, gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em). Khi nào có thời gian sẽ trở lại lấy mẫu xí muội để kiểm tra hàm lượng các chất theo quy định... Còn ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, nói rằng QLTT vẫn thường xuyên kiểm tra.
Tuy nhiên, có một thực tế là các mặt hàng thực phẩm TQ đang bày bán trên thị trường không phải hàng cấm. Thậm chí, hàng bày bán tại các sạp dù không có bao bì, nhãn mác nhưng khi kiểm tra, người bán đều xuất trình được hóa đơn, chứng từ cũng như nhãn phụ, hạn sử dụng… của bao bì lớn nên QLTT không thể xử lý. Riêng về chất lượng hàng hóa ra sao thì phải do cơ quan y tế kiểm tra. Trường hợp ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện và thông báo mặt hàng nào không bảo đảm an toàn thì QLTT mới xử lý được…
Trong khi đó, ngành y tế lại cho rằng việc giám sát hàng hóa trên thị trường là do QLTT đảm trách. Cơ quan y tế chỉ giám sát chất lượng, lấy mẫu hàng hóa trên thị trường về kiểm nghiệm nhưng chỉ mang tính tham khảo, cảnh báo chứ không đủ cơ sở để xử lý. Chỉ khi nào lấy mẫu tại cơ sở sản xuất thì mới có đủ cơ sở để xử lý...
Vì thế, hàng TQ vẫn “ngoài tầm kiểm soát”.
Thực phẩm độc hại tràn lan ngoài thị trường. (Ảnh minh họa).
4 bộ cùng quản bó rau, con cá
Các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm hay chưa khi mà đa số các vụ việc đều chậm chân? Vì sao thịt bẩn, thực phẩm độc hại vẫn “ung dung” qua cửa khẩu, qua rất nhiều khâu kiểm duyệt... Phải chăng khâu kiểm định hiện tại quá lỏng lẻo?
Trước những câu hỏi này, theo một cán bộ y tế, do biện pháp chế tài còn hạn chế nên các sản phẩm độc hại vẫn ngang nhiên được bày bán. Biện pháp xử lý chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính với mức phạt quá thấp nên không đủ sức răn đe. Các cơ quan chức năng khác thì cho rằng hiện biện pháp ngăn chặn chủ yếu là kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy; lực lượng lại mỏng trong khi thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi thì quản không xuể...
Hiện có đến 4 bộ cùng tham gia quản lý rau củ, thịt cá. Cụ thể: Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ kiểm tra, quản lý thực phẩm trong giai đoạn sản xuất hay nhập khẩu; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường; Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe người dân.
Thế nhưng, hiện nay hễ thị trường cần bất cứ mặt hàng thực phẩm nào là lập tức mặt hàng đó bị nhập lậu. Thực phẩm nhập lậu có sử dụng chất phụ gia gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng hay không hoặc gây hại ở mức độ nào…, đến nay chưa cơ quan chức năng nào có câu trả lời thỏa đáng.
Tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước hoạt động chồng chéo, không hiệu quả đang tạo kẽ hở cho thực phẩm kém chất lượng TQ hoành hành. Song song đó, Nhà nước chậm ban hành những quy định pháp lý và hàng rào kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nhập khẩu, chủ yếu dựa vào công bố chất lượng, giấy tờ chứng nhận của phía bán hàng để chấp nhận cho lưu thông. Điều này đã góp phần tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.
Giá rẻ, chất lượng bèo Tại các chợ đầu mối ở TPHCM như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)..., bánh kẹo TQ đang được bày bán tràn lan, phần lớn là hàng đổ xá bán theo ký, giá chỉ khoảng 30.000 - 60.000 đồng/kg, tùy loại. Ngoài ra, còn có nhiều loại thực phẩm mặn như thịt đà điểu, tôm chiên, cá xiên que, thịt xiên que, bò khô, bột thịt chiên… được đóng gói sơ sài, dầu mỡ dính đầy bao bì, bốc mùi tanh nồng. Sở dĩ những mặt hàng này được tiêu thụ mạnh là do giá cực rẻ, chỉ từ 6.000 đến 14.000 đồng/gói. Các loại thực phẩm này được tẩm ướp gia vị, hóa chất có màu sắc bắt mắt nên thu hút trẻ em. |