Thực phẩm 'bẩn' những ngày cuối năm: Cứ tới hẹn là thấy lo

Sự kiện: Thực phẩm bẩn

Cuối năm là dịp nhiều đối tượng lợi dụng để tuồn thực phẩm bẩn kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào thị trường tiêu thụ, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Nỗi lo thực phẩm 'bẩn' tràn vào mâm cơm ngày Tết

Cận cảnh số thịt lợn ôi thiu, bốc mùi hôi thối được lực lượng chức năng phát hiện tại Hưng Yên.

Cận cảnh số thịt lợn ôi thiu, bốc mùi hôi thối được lực lượng chức năng phát hiện tại Hưng Yên.

Năm nay, gia đình chị Linh (Hà Đông, Hà Nội) quyết định không về quê mà sẽ ăn Tết ở Hà Nội. Để đảm bảo cái tết an toàn, đủ đầy, gia đình chị đã lên phương án mua sắm từ sớm. Chị Linh và một số đồng nghiệp bàn nhau đặt hàng đặc sản từ quê một người bạn.

"Thịt bò, lợn, gà thì chúng tôi đặt từ quê, các món rau, củ, mứt thì đến cận tết tôi sẽ đi siêu thị mua chứ không dám mua ở chợ", chị Linh cho hay.

Còn chị Thanh Hà (Bà Đình, Hà Nội) thì năm nào cũng được "tiếp tế" thực phẩm từ quê. "Bình thường hàng tháng mẹ tôi vẫn gửi thực phẩm ở quê lên nên tết tôi cũng nhờ mẹ gửi luôn, chứ mua bên ngoài cũng chưa hoàn toàn an tâm", chị Hà chia sẻ.

Cầu kì hơn, chị Hà còn cùng với vài gia đình đặt mua chung một con lợn được nuôi từ nhà người quen ở quê để chế biến.

Có thể thấy, không yên tâm là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng về các mặt hàng thực phẩm bán trên thị trường. Thực tế, nhiều năm qua, quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn là bài toán gây đau đầu cho cơ quan quản lý không chỉ riêng Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác.

Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ việc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ càng nhiều, khiến người tiêu dùng bất an. Đơn cử giữa tháng 11 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, 924 gói nước số bò cay do nước ngoài sản xuất, nhập lậu vừa được lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực cảng Hà Nội.

Còn tại Quảng Trị, ngày 29/10, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đã phát hiện 15 ô tô chở theo một lượng lớn hàng hóa không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra nhanh, phát hiện trên một xe chở 5 hộp gỗ chưa xác định được chủng loại. Các phương tiện còn lại vận chuyển đường kính với tổng trọng lượng ước tính khoảng hơn 50 tấn.

Đáng nói là các lái xe đều không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa nói trên.

Ngày 10/10, Tổng cục QLTT cho biết, 290 gói và 18kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được "tóm gọn" tại Hà Giang.

Ngày 10/10, Tổng cục QLTT cho biết, 290 gói và 18kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được "tóm gọn" tại Hà Giang.

Mới đây, Tổng cục QLTT cho biết, 290 gói và 18kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được "tóm gọn" tại Hà Giang. Cụ thể, khi kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của công ty TNHH Phan Hiếu Hà Giang (số 102 đường Nguyễn Du, tổ 13, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang), lực lượng chức năng tỉnh này phát hiện cơ sở này đang kinh doanh công khai thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bao gồm: 15 gói sụn lợn, 22 gói viên thả lẩu, 15 gói dồi sụn, 15 gói nem lụi, 18 gói cánh gà tẩm bột, 23 gói lõi vai bò, 33 gói ốc hương, 48 gói đùi gà, 24 gói chân gà, 67 gói chả cá, 18 kg mực khô.

Thực tế, thực phẩm tiêu thụ tại Hà Nội phần nhiều từ các tỉnh, thành lân cận đổ về. Đáng nói, trong khi thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống gần như chưa được kiểm soát thì nguy cơ thực phẩm không rõ nguồn gốc len lỏi vào cả các siêu thị.Nỗ lực đảm bảo thực phẩm an toàn

Thực tế cho thấy, vào mỗi dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ nội tạng động vật cũng như thực phẩm gia tăng. Do vậy, các đối tượng thường thu mua thực phẩm từ nhiều nguồn không xác định, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ, đưa về các tỉnh, TP lớn để tiêu thụ. Nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật và các sản phẩm hàng hóa không đảm bảo ATTP có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đáng nói, tình trạng này tái diễn hằng năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Theo các chuyên gia, vấn nạn thực phẩm bẩn liên tiếp bị phát hiện xử lý nhưng khó có thể dập tắt trong thời gian qua là do lợi nhuận đem lại quá lớn. Vì lợi nhuận, mà bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm "tuồn" thực phẩm bẩn len lỏi vào thị trường. Cùng với đó, một trong những nguyên nhân khiến các vụ sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP còn xuất phát từ thực tế nhiều nơi người dân có xu hướng lựa chọn những mặt hàng giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn, vi phạm ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…

Để đảm bảo ATTP mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có chứng nhận vệ sinh ATTP, không nên ham rẻ mà mua phải những thực phẩm bẩn kém chất lượng, nguy cơ gây hại cho sức khỏe bản thân và gia đình.

Nguồn: [Link nguồn]

Bánh kẹo truyền thống tự làm 'hot' dịp cuối năm có đảm bảo an toàn thực phẩm?

Thay vì lựa chọn bánh kẹo, mứt Tết ngoại nhập như những năm trước, năm nay, nhiều người lại ưu tiên lựa chọn bánh kẹo cổ truyền, tự làm để dùng vào dịp Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Ngân ([Tên nguồn])
Thực phẩm bẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN