Thực hư thông tin chỉ được xuất sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc 3 năm
Về thông tin Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc chỉ có thời hạn 3 năm, đại diện Cục Bảo vệ thực vật khẳng định đây là thông tin không chính xác.
Thông tin trên được ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật nêu ra tại Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19-9.
Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc
Tháng 8 vừa qua, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi từ các nước và 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia.
Với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký, doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.
Cùng với đó, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, thông tin mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỉ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỉ USD. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 tỉ USD sầu riêng đông lạnh. Con số này dự kiến cũng sẽ tăng.
Đặc biệt, người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh do phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.
Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật nhìn nhận, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Đáng chú ý, một trong các thách thức mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là Trung Quốc đang thử nghiệm 2.700 ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam.
Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra.
"Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng" - ông Hiếu cảnh báo.
Về thông tin Nghị định thư chỉ có thời hạn 3 năm, ông Hiếu cho biết đây là thông tin không chính xác.
"Nghị định thư có hiệu lực 5 năm và được tự động gia hạn thêm 5 năm, nếu 6 tháng trước khi Nghị định thư hết hạn mà không có bên nào đề xuất chấm dứt bằng văn bản" - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Táo cherry Trung Quốc bị nhiều tiểu thương gắn mác Hàn Quốc, Australia, bán giá 120.000-170.000 đồng một kg.