Thua từ đường đến... bắp!

Đường, bắp, đậu nành đến trái cây trong nước giá thành lúc nào cũng cao nên phần lớn không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ ngay tại thị trường nội địa.

Không phải bây giờ mà đã từ lâu các doanh nghiệp (DN) ngành mía đường luôn “ngồi trên đống lửa” với sức ép từ đường nhập lậu. Việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) xin được nhập đường từ Lào vào Việt Nam khiến nhiều DN phải “giật mình”.

Chỉ biết trông chờ vào sự bảo hộ

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), thừa nhận ngành mía đường có nhiều yếu kém. Giá thành sản xuất đường của Việt Nam hiện đang cao hơn các nước trong khu vực và cao hơn nhiều so với giá đường của HAGL sản xuất từ Lào.

Theo ông Long, ở Thái Lan, DN nước họ chỉ mất 30 USD để mua 1 tấn mía nhưng ở Việt Nam là 50 USD/. Chưa kể ở Thái Lan họ trồng mía với diện tích lớn 10-20 ha mía/người, còn nước ta chỉ sản xuất theo nông hộ nhỏ lẻ 1-2 ha mía/người. Năng suất mía của các nước trong khu vực là 100 tấn/ha trong khi nước ta chỉ 70 tấn/ha. Giống mía và quy trình chăm sóc tưới tiêu của họ tốt hơn nên chất lượng cho đường cũng cao hơn, cụ thể ở Thái Lan 8-9 kg mía cho 1 kg đường nhưng Việt Nam phải 12-13 kg mía mới có 1 kg đường.

Thua từ đường đến... bắp! - 1

Giá thành sản xuất đường của Việt Nam hiện đang cao hơn các nước trong khu vực. Ảnh: HTD

Đại diện một DN mía đường vừa được HAGL mời sang tham quan đồng mía công nghệ cao tại Lào cho biết việc áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt bằng công nghệ của Israel không chỉ cung cấp đủ lượng nước cho cây mía mà còn có thể tiết kiệm nước tưới, nhất là vào mùa khô hạn. HAGL chỉ xin tạm nhập vào Việt Nam và tái xuất sang Trung Quốc chứ nếu HAGL bán tại thị trường trong nước với giá thành rẻ bằng 1/3 thì DN mía đường trong nước chỉ có đóng cửa! Vì vậy cần xem lại giá đường trong nước vì trong thời buổi hội nhập, nếu vẫn theo cách sản xuất cũ thì nhiều mặt hàng, trong đó có đường sẽ không thể chống đỡ với các nước ASEAN. Chưa kể từ năm 2015, thuế suất nhiều mặt trong khu vực ASEAN sẽ bằng 0%.

Trước mối nguy trên, ông Long cho biết chỉ còn trông chờ vào các chính sách hỗ trợ, quan tâm đến nông nghiệp của Chính phủ. Chính phủ cần áp mức thuế cao nhất có thể để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước dễ bị thiệt hại do hàng ngoại giá rẻ tràn vào. Và cần có một thị trường minh bạch, kiểm soát đường lậu và cho DN xuất khẩu theo diễn biến thị trường.

Theo các chuyên gia, với chi phí sản xuất quá cao và kém tính cạnh tranh, nếu như ngành đường không được hỗ trợ thì chắc chắn các DN đã sớm bị loại ra khỏi cuộc chơi. những bất cập trong hoạt động sản xuất đã khiến cho giá thành và giá bán đường của DN Việt Nam trở nên kém tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, DN cũng không nên chỉ biết trông chờ sự bảo hộ từ Chính phủ mà cần đổi mới công nghệ làm sao để giảm giá thành sản xuất chứ không thể bảo hộ mãi.

Nhập lợi hơn mua trong nước

Không chỉ với ngành mía đường, nhiều sản phẩm nông nghiệp thiết yếu khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, cho biết giá đậu nành nước ta luôn cao hơn thế giới 2.000-3.000 đồng/kg. Trong khi đó, năng suất trung bình đậu nành của Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,9-1 tấn/ha, thấp nhất thế giới.

với một sản phẩm khác là bắp, sở dĩ DN thức ăn chăn nuôi trong nước lẫn nước ngoài nhập nhiều bắp vì giá bắp ở châu Mỹ quá rẻ. “Một hecta trồng bắp ở Mỹ có thể đạt đến gần 15-20 tấn, còn ở Việt Nam chỉ trên dưới 5-8 tấn. Ở Mỹ, 1.000 ha trồng bắp chỉ có hai nhân công làm trong khi ở nước ta chỉ 1 ha mà cần tới 5-10 nhân công. Vì vậy, hiện nay DN nhập khẩu có lợi nhuận nhiều hơn là mua hoặc tự sản xuất trong nước” - ông Bình phân tích.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, chia sẻ cơ giới hóa trong trồng đậu, bắp nước ta rất thấp, phần lớn trồng nhỏ lẻ và canh tác thủ công. Đó là chưa kể việc thu mua bắp từ nông dân đến nhà máy chế biến phải qua tay nhiều thương lái, cùng với chi phí vận chuyển từ miền núi về xuôi rất lớn. Mặt khác, bắp trước khi giao cho các nhà máy chế biến phải sấy khô, trọng lượng chỉ còn 2/3, vì thế nếu thu mua từ nông dân với giá 5 triệu đồng/tấn thì khi về đến nhà máy, giá thành có khi lên tới 7 triệu đồng/tấn.

Trái cây cũng chịu chung số phận, theo ông Dư trái cây ngoại rẻ tràn ngập thị trường nội địa không chỉ nhờ giá rẻ mà “ngoại hình”, chủng loại đa dạng. Trái cây Trung Quốc giá rẻ vì phương thức canh tác của nước họ hoàn toàn khác nước ta, sử dụng nhiều hóa chất.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết Thái Lan cũng là đối thủ trên sân nhà của trái cây Việt với giá cả phải chăng và chất lượng hơn hẳn. Như măng cụt, boòng boong, sầu riêng Thái Lan đều áp đảo với hàng nước ta vì giá tương đương nhưng chất lượng ngon hơn. Ở Thái Lan, kỹ thuật trồng trọt công nghiệp, chế biến bảo quản hơn hẳn Việt Nam. Đặc biệt, giống cây trồng chất lượng, làm ăn tập thể, xây dựng thương hiệu và tiếp thị sản phẩm trái cây thì nước ta không thể so sánh với Thái Lan.

Con tôm cũng lo giá

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, cho biết giá thành nuôi tôm nước ta cao hơn nhiều so với các nước khác 15%-20%. Nguyên nhân chính là do tỉ lệ thành công trong nuôi tôm ở nước ta chỉ là 30%, trong khi ở các nước là 70%. Mặt khác, thức ăn chiếm 70%-80% giá thành nuôi tôm nhưng nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu hay các DN có vốn nước ngoài. Ngoài ra, con giống cũng phải mua với giá cao từ DN ngoại nên giá thành tôm Việt Nam cao hơn các nước là đương nhiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN