Thứ xưa ít ai ăn nay thành đặc sản dân phố “săn lùng”, 90.000 đồng/kg

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Món đặc sản này xưa gắn với những bữa cơm nhà nghèo. Bây giờ chúng đã "lên đời" thành món ăn có mặt trong các nhà hàng, quán ăn, được nhiều du khách yêu thích.

Đối với du khách miền Bắc hay miền Nam, con don có lẽ là cái tên khá lạ, thậm chí có những người chưa từng nghe qua bởi đây là đặc sản chỉ có ở Quảng Ngãi.

Con don còn có tên gọi khác là con déc, có hình dạng giống quả trám, vỏ mỏng, màu vàng đậm, dài khoảng 2cm. Nếu nhìn qua, con don khá giống con trùng trục nhưng vỏ tròn hơn và cũng hay bị nhầm với con hến.

Con don có vẻ ngoài khá giống con hến.

Con don có vẻ ngoài khá giống con hến.

Theo tìm hiểu, con don sống ở sông Trà Khúc và sông Vệ (Quảng Ngãi), chúng có quanh năm nhưng nhiều nhất là khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm. Người dân địa phương cho biết hến sống ở nước ngọt, nằm trên cạn nên "xúc" là được, còn don sống ở nước lợ (còn gọi là nước chè hai) và nằm sâu trong cát, phải "cào" mới bắt được.

Theo báo Dân Việt, nếu đi ngang qua cầu Trà Khúc, Tp.Quảng Ngãi, nhìn thấy trên sông Trà có những người chìm nửa thân mình trong nước để xúc, hay đẩy nhủi (dụng cụ đánh bắt với những thanh tre chẻ nhỏ bện cùng mây rừng gắn với miếng gỗ phía trước và hai đoạn tre phần ngọn làm tay đẩy), đích thị đó là những người đi bắt hến chứ không phải don. Vì ở quãng sông này hoàn toàn nước ngọt, mà con don chỉ sống vùng nước lợ và ở tầng sâu hơn.

Để ý sẽ thấy dụng cụ cũng là cái nhủi được đan bằng tre, nhưng để bắt hến cán dài hơn. Người bắt hến dùng lực để đẩy cái nhủi, con hến nằm lẫn trong cát trên bề mặt sẽ được xúc vào nhủi, khi đưa lên khỏi mặt nước, cát theo nước chui qua kẽ nan, còn lại trong nhủi là con hến.

Còn con don ở độ sâu hơn từ 5-10cm nên phải "cào", tức người bắt don quàng chiếc dây vào lưng nối với dụng cụ là chiếc nhủi, rồi đi lùi (người dân nơi đây gọi động tác này là cào). Sở dĩ phải đi lùi là vì chiếc nhủi được ấn sâu trong lớp cát dày, người bắt don không thể đẩy tới như bắt hến được.

Không chỉ khác nhau về nơi sống, về hình thức, 2 loài này (don và hến) dù có kích cỡ khá tương đồng với nhau là chỉ lớn hơn đầu đũa một chút, nhưng khác nhau ở chỗ, vỏ hến có hình rẽ quạt, còn don giống hình hột xoài.

Do chỉ sống ở nước lợ, vùi thân trong cát, lại ăn toàn phấn hương nơi thượng nguồn theo nước đổ về nên cùng với cá bống, theo người dân nơi đây, don là loài thủy sản được xem là sạch nhất sông Trà.

Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, anh Hải (người dân sống ở sông Trà Khúc) cho biết, con don vùi trong cát nên thu hoạch rất vất vả. Những hôm gặp con nước lớn thì người dân phải ngâm mình trong nước vài tiếng đồng hồ cũng không kiếm đủ một kg don để cho người nhà thưởng thức, đừng nói là phải bán đi.

Thứ xưa ít ai ăn nay thành đặc sản dân phố “săn lùng”, 90.000 đồng/kg - 2

Các món từ don là đặc sản được nhiều người yêu thích.

Các món từ don là đặc sản được nhiều người yêu thích.

Trước đây, con don gắn với những bữa cơm dân dã của người dân nghèo. Bây giờ chúng đã "lên đời" thành món đặc sản có mặt trong các nhà hàng, quán ăn, du khách đến đây đều tìm để thưởng thức. Nghề cào don vì thế mang lại thu nhập khá cho nhiều người dân ở Quảng Ngãi.

"Vì phải phụ thuộc vào sự lên xuống của thuỷ triều cho nên bất cứ khi nào nước xuống, dù đang đêm lạnh buốt, hay giữa trời nắng trưa gay gắt, người bắt don cũng phải mang xúc, dầm mình trong nước để cào. Theo đó nếu triều xuống vào giữa đêm, người đi cào phải làm đến sáng. Sau khi khai thác, don được thương lái thu mua tận nơi, hoặc các nhà hàng đặt trước", anh Hải cho biết thêm.

Về cách chế biến, sau khi cào, người ta sẽ rửa, ngâm nước để don nhả hết cát. Luộc don tỉ lệ một phần don hai phần nước, luộc cho đến khi há miệng.

Khi don chín, đãi bỏ vỏ, lấy ruột cho vào nước luộc, nêm gia vị, mắm muối, thêm hành lá và hẹ, nhất định phải kèm với ớt xiêm mới tròn vị. Nước luộc don có vị ngọt thanh vô cùng dễ ăn do đó người dân Quảng Ngãi không quá cầu kỳ trong cách chế biến.

Canh don ăn với bánh tráng sống hoặc bánh tráng nướng. Cách ăn truyền thống của người Quảng Ngãi là bẻ bánh tráng thành từng miếng nhỏ, cho vào tô súp nóng cho đến khi mềm và ngậm nước. Sau đó chỉ cần múc từng muỗng don ăn cùng để cảm nhận hương vị ngọt thanh hòa quyện. Đây có lẽ là cách thưởng thức don phổ biến nhất của người dân địa phương.

Ngoài cách ăn trên, người dân địa phương còn có thể chế biến thành món xào với hành, nấu canh rau cải, canh rau muống hay nấu cháo cũng rất ngon. Sang hơn có thịt don xào với miến, bún mì…

Hiện, trên chợ mạng và một số cửa hàng bán đặc sản vùng miền, con don được làm sạch, đóng túi và bán với giá 90.000 đồng/kg. Loại don này đã được làm sạch sẽ, chị em nội trợ mua về chỉ cần rửa lại là có thể chế biến luôn. Trong những ngày vào hè, canh don là món ăn thanh mát, chỉ mất chưa đến 15 phút với ít don, đôi quả cà chua, hành lá là bạn đã hoàn thành món canh don ngon miệng.

Loại cây này rất quý hiếm, có giá lên tới 1 triệu đồng/kg khô nhưng rất khó trồng hay chiết ghép nên được coi là “lộc trời”, là cây “ATM”, mỗi năm “nhả” ra hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN