Thủ tướng yêu cầu 'không để thiếu điện'

Trước nguy cơ thiếu điện mùa khô, Thủ tướng yêu cầu có các giải pháp đồng bộ để bảo đảm cung ứng năm nay.

Năm ngoái, thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6 để lại nhiều ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số khu công nghiệp thời điểm đó cắt điện có báo trước, với tần suất 1-2 lần một tuần. Gặp Thủ tướng hôm 19/3, một số đại diện doanh nghiệp nước ngoài gọi sự cố này là nghiêm trọng và đề nghị Chính phủ có phương án đảm bảo nguồn điện.

Tại công điện ngày 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2024 vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5-7) được dự báo tăng trưởng rất cao, lên đến 13%, hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%. Riêng miền Bắc dự kiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Để đảm bảo không thiếu điện trong mọi trường hợp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương phải tăng kiểm tra, giám sát về quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia. Việc này nhằm đảm bảo hệ thống, gồm các nhà máy điện, hoạt động an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa sự cố, bảo đảm cung ứng đủ điện.

Cơ quan này được giao sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 30/4 các cơ chế, chính sách mua bán điện. Trong đó có: cơ chế mua bán trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; khuyến khích điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đẩy tiến độ các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, dự án truyền tải điện từ Lào. Cùng đó, cơ quan này chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN thực hiện các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, khí, vận hành ổn định các nguồn điện.

Bộ Công Thương phải triển khai nhanh các dự án nguồn điện trong Quy hoạch và Kế hoạch điện VIII để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng hàng năm.

Với một số dự án chậm tiến độ trong Quy hoạch điện VIII, là nhà máy nhiệt điện than Công Thanh và Nam Định 1, Thủ tướng lưu ý Bộ trưởng Công Thương báo cáo để cấp thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm.

Trong đó, dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh do Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư tại thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2010, khởi công vào tháng 3/2011. Theo thiết kế, nhà máy có công suất 600 MW, gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 300 MW.

Còn dự án Nhiệt điện Nam Định 1 được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2017 tại Nam Định cho liên danh Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (Arab Saudi) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất (trụ sở tại Singapore).

Tuy nhiên, sau trao giấy chứng nhận đầu tư, các dự án này vẫn "án binh bất động" kéo dài cho đến nay. Gần đây, chủ đầu tư các dự án này có đề xuất chuyển sang sử dụng khí LNG.

Nguồn: [Link nguồn]

Sản lượng điện tiêu thụ những ngày đầu tháng 4 đã tăng liên tiếp, thậm chí vượt đỉnh so với năm 2023, Tổng công ty Điện lực TP.HCM kêu gọi người dân tiết kiệm điện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN