Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương xử lý dứt điểm thiếu xăng dầu
Bộ Công Thương cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điều hành giá theo đúng quy định pháp luật.
Từ ngày 2/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng tình hình thông tin, báo chí, dư luận xã hội liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về điều chỉnh giá xăng dầu và việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo, sau 3 lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1/11; giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 22.750 đồng. Tuy nhiên, đến tối 1/11, nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn trong tình trạng "hết hàng" hoặc bán "nhỏ giọt".
Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, báo cáo cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm.
Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dù kêu lỗ nặng trong 9 tháng đầu năm nay nhưng vẫn được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với 2.145.000 triệu m3/tấn.
Xem xét báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Người dân Hà Nội xếp hàng dài từ sáng tới đếm khuya để đổ được xăng (Ảnh: Hữu Thắng).
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 143 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
"Rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trình Chính phủ trong tháng 11", kết luận nêu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí bảo hiểm, chi phí kinh doanh định mức…) cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng VNĐ sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng USD hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.
"Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng", Chính phủ yêu cầu.
Cơ quan này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
Liên quan việc giảm thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 5 ngày, hay điều chỉnh theo ngày, cần phải có sự tính toán cụ thể, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia...
Nguồn: [Link nguồn]