Thủ tướng nghiêm cấm ban hành giấy phép con trái luật
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2016 Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước diễn ra hôm 29-4 ở TP HCM.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo đó, để xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, Thủ tướng lưu ý cần quán triệt các nguyên tắc:
- Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh; nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ tiên lượng của chính sách để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp phát triển; doanh nghiệp tư nhân là động lực của sự phát triển kinh tế.
- Có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; quản lý nhà nước phải đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức; thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp làm ăn. Ảnh: Hoàng Triều
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư doanh nghiệp, trước mắt là rà soát, giải quyết triệt để những vướng mắc chưa phù hợp giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật liên quan.
Đồng thời tập trung xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chất lượng; giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh liên quan tới thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp với nhiều hình thức mà Nhà nước, các địa phương cần phải quan tâm.
Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giải hóa các thủ tục chuyển nhượng, góp vốn đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không còn phù hợp
Về cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ở các bộ, ngành và cơ quan liên quan, thực hiện công bố công khai để doanh nghiệp hiểu và thực hiện.
Đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh. Kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi, bảo đảm sự cần thiết, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
Đồng thời đổi mới tư duy, phương pháp và công cụ quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh theo cơ chế thị trường, áp dụng cấp phép tự động và thực hiện hậu kiểm; rà soát, loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh ra khỏi các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các sản phẩm và chất lượng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp và kết quả đánh giá hiệu lực quản lý, không trùng lắp trong việc thanh tra. Đặc biệt là công tác kiểm toán thuế minh bạch hơn, chống tiêu cực và tham nhũng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hằng quý, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp trên địa bàn; thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website trực tuyến để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; theo nguyên tắc không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính không đúng theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị liên quan quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; công khai quy trình và các cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ; tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý.
Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các Bộ, ngành, địa phương: Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; Công khai toàn bộ thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử; Thiết lập quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.