Thu tiền triệu mỗi đêm nhờ câu mực bằng cần tre
Chỉ cần một chiếc thuyền máy, cần tre và mồi cao su sơn màu sặc sỡ, ngư dân ở quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) thu từ 1 đến 3,5 triệu đồng mỗi đêm ra khơi câu mực.
Làng câu mực nằm tại xã An Sơn, huyên Kiên Hải (Kiên Giang) - một xã thuộc quần đảo Nam Du. Ngoài câu mực bằng ánh sáng đèn, bóng mực, người dân tại đây còn dùng vỏ ốc để bắt bạch tuộc.
Đồ nghề câu mực của người dân ở đây khá đơn giản, chỉ gồm cần câu bằng tre, bộ lưỡi chùm, dây gân và miếng mồi làm bằng cao su sơn màu sặc sỡ để dụ mực cắn câu.
Loại câu chùm chuyên dùng này có 8 lưỡi.
Ban đầu, tại Kiên Hải chỉ có vài chục thuyền câu mực nhưng đến nay, tổng số thuyền toàn huyện đảo đã lên tới 300 chiếc.
Lợi thế của nghề câu mực là đánh bắt được quanh năm và cả ngày lẫn đêm. Ban ngày, các ngư dân câu mực bầu, mực lá, còn ban đêm thì đánh mực ống, mực thước, mực nang.
Ông Trương Hữu Mười (ấp Bãi Ngự, xã An Sơn), với hơn 30 năm trong nghề câu mực cho biết, gia đình ông có 3 người sống bằng nghề câu loài hải sản này. Mỗi đêm, ông Mười và các thành viên câu được 30-40 kg mực tươi, bán với giá 90.000-120.000 đồng/kg tùy kích thước.
Theo ông Mười, từ tháng 4 đến tháng 7 câu mực sẽ được nhiều hơn cả. Vào những tháng này, 3 người trong gia đình ông có thể kiếm được 2,5-3,5 triệu đồng mỗi đêm. Những tháng khác, mực ít hơn song tiền thu về cũng khoảng 1-1,5 triệu đồng/đêm.
Chi phí cho nghề câu mực khá thấp. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua giàn câu, mồi thả, ngư dân có thể sử dụng trong cả tháng mới phải thay giàn mới. Ngoài ra, phương tiện chính cho nghề câu mực là tàu thuyền loại nhỏ, có công suất 20-30 mã lực cũng khá dễ tìm.
Theo lời ngư dân tại An Sơn, mùa mực năm nay, các thuyền câu trúng đậm. Mỗi ngày, các tàu câu cấp cho huyện đảo 10-20 tấn mực tươi, đáp ứng đủ nguồn để bán trong nước và chế biến xuất khẩu.
Phòng Nông, Ngư, Lâm nghiệp Kiên Hải cho biết, nghề câu mực của địa phương trong thời gian gần đây phát triển đúng hướng. Đây là nghề truyền thống, nhẹ vốn đầu tư, sản suất hiệu quả cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản và giữ sạch môi trường biển. Nghề này góp phần vực dậy cho một bộ phận ngư dân nghèo có việc làm ổn định với thu nhập khá.
Nếu như ban ngày, người câu mực dùng cần tre và lưỡi chùm, thì ban đêm, phương tiện chính cho nghề câu mực là những chiếc tàu biển có đèn. Ngư dân sẽ dùng trên 100 đèn để soi xuống mặt biển đánh mực ống, mực thước, mực nang.
Mực câu tại biển Kiên Giang hút khách vì ngon và ngọt.
Đầu ra của mực khá ổn định do thương lái luôn chờ ngư dân mang vào để thu mua.
Trước khi mang vào đất liền, mực sẽ được đóng thùng, ướp đá để giữ được độ tươi.
Giá bán mực phơi một nắng khoảng 160.000-170.000 đồng/kg, mực khô 320.000-500.000 đồng/kg.