Thu tiền tỉ mỗi năm nhờ nuôi loài “thủy vương” chậm lớn
Một kilogram “thủy vương” có giá cả triệu bạc, đem lại thu nhập khổng lồ cho người nuôi.
Nhìn trang phục giản dị, gương mặt hiền lành với làn da sẫm của Triệu Trung Bảo, thật khó đoán được rằng người đàn ông này là chủ nhân của một trang trại cá tiền tỉ tại Trung Quốc.
Loài cá mà ông Bảo nuôi là cá lenok mõm nhọn (Tên khoa học: Brachymystax lenok). Loài này được mệnh danh là “vua cá nước lạnh”, là cống vật dâng lên triều đình từ thời nhà Tống ở Trung Quốc.
Thịt cá với kết cấu mềm và giàu dưỡng chất, có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa cục máu đông và thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương. Hiện tại, cá lenok mõm nhọn hoang dã có giá bán cực cao, lên đến 320 NDT (hơn 1 triệu đồng)/kg. Tuy nhiên, việc nuôi chúng không hề đơn giản.
Trang trại nuôi cá lenok mõm nhọn của ông Bảo có vị trí không giống như những trang trại ngoài trời thông thường. Nó được xây dựng trong một thung lũng. Bởi lẽ, cá lenok mõm nhọn cần nguồn nước suối chảy tự nhiên để sinh sống, chất lượng nước phải sạch sẽ và có chỉ số DO cao (chỉ số biểu thị cho lượng oxy hòa tan trong nước cần thiết cho quá trình hô hấp của các sinh vật sống trong nước như tôm, cá, động vật lưỡng cư), nhiệt độ nước thường niên không được vượt quá 20 độ C.
Ngoài ra, cá sau khi được bắt ra khỏi suối, dù có để chúng vào trong thùng nước thì chúng cũng không thể sống quá 30 phút. Có thể nói, quá trình nuôi và thu hoạch cá lenok mõm nhọn vô cùng vất vả nên gần như không có ai dám nuôi chúng. Cá nhân ông Bảo cũng đã phải mất mười mấy năm mới tìm ra bí quyết nuôi chúng thành công.
Cá lenok mõm nhọn trong trang trại của ông Bảo có trọng lượng từ hơn 1kg đến 4kg, một con cá to trưởng thành có thể bán được hơn 1.300 NDT (4,2 triệu đồng). Nhưng ít ai biết trước khi có thể làm giàu nhờ chúng, ông Bảo đã từng phải trầy trật để thuần phục loài cá “khó tính” này.
Ông Bảo quê ở Hắc Long Giang - nơi có con sông Y Kết Mật - là nhánh thứ hai của sông Tùng Hoa. Trong tiếng Mãn, “Y Kết Mật” có nghĩa là “nơi tập trung cá lenok mõm nhọn”. Đây chính là ưu thế lớn của ông Bảo trong việc chinh phục loài cá này.
Ông đã nối ao cá của mình với sông để chúng có thể tận hưởng nguồn nước tự nhiên chảy lưu động quanh năm để mô phỏng môi trường hoang dã. Ngoài ra, ông còn kiểm soát nhiệt độ nước ở trang trại dưới 20 độ C để cá có thể thích nghi.
Bên cạnh đó, cá lenok mõm nhọn là loài cá có tính cách “quý tộc”. Khi thức ăn rơi xuống đáy ao, chúng sẽ không ăn. Chúng chỉ ăn khi con người ném thức ăn cho chúng. Vì vậy mỗi lần cho chúng ăn, ông chỉ có thể ném vài hạt một lần. Một buổi như vậy tốn từ 1-2 tiếng đồng hồ, lâu hơn nhiều so với nuôi những loài cá khác.
Tuy nhiên, do việc này quá tốn thời gian nên ông Bảo đã nghĩ ra một diệu kế. Ông cho một số cá hồi vàng California, cá hồi cầu vồng và một số loài cá khác sống chung với cá lenok mõm nhọn. Sau đó, những loài cá này sẽ “huấn luyện” cá lenok mõm nhọn ăn thức ăn dưới đáy ao.
Sau một thời gian, đàn cá lenok mõm nhọn đã được thuần phục thành công, nhưng vấn đề là chúng vẫn ăn quá chậm. Những con cá nuôi 2 năm chỉ dài 18cm. Trên thực tế, điều này là do thói quen sinh sống đặc biệt của cá lenok mõm nhọn. Chúng sẽ ngừng ăn từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau và gần như rơi vào trạng thái ngủ đông. Lúc này cá sẽ ngừng phát triển. Do đó, phải mất ít nhất 5 năm để cá lenok mõm nhọn nuôi ngoài trời có thể bán ra thị trường.
Đặc biệt, với những con cá đã lớn đến tầm 1,5kg, ông Bảo sẽ không đem bán ngay mà sẽ đưa chúng vào một căn phòng tối, cho chúng “nhịn đói” 2 tháng để cá tự đưa mình về trạng thái ngủ đông. Bởi ở quê hương ông, người ta cho rằng cá ngủ đông sẽ có hương vị thơm ngon đặc trưng.
Thực tế đã chứng minh lựa chọn nuôi loài cá “chậm lớn” của ông Bảo là chính xác. Mặc dù chi phí cao, thời gian nuôi kéo dài nhưng chúng vẫn được coi là một loại đặc sản giá trị.
Ngày nay, quy mô nuôi cá lenok mõm nhọn của ông Bảo đã mở rộng lên đến hơn 300.000 con, với thu nhập hàng năm hơn 4 triệu NDT (hơn 13 tỉ đồng).
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là đặc sản nổi tiếng ở sông Đà và sông Trà, mấy năm nay được ưa chuộng trên thị trường.