Thu thuế bán hàng trên Facebook: Còn bàn
Gần đây, cộng đồng mạng lại xôn xao thông tin TP HCM có thể thu thuế bán hàng trên Facebook từ tháng 4-2017. Trong khi đó, các cơ quan quản lý còn đang bàn phương án phối hợp, đề xuất cách thu.
Theo các chuyên gia, nhà kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), người bán lẻ trên mạng…, việc thu thuế bán hàng trên Facebook hiện nay rất khó khả thi nếu như không có quy định chặt chẽ.
Hàng loạt vấn đề cần giải quyết
Đại diện một trang TMĐT tại TP HCM cho biết mạng xã hội rất rộng lớn, hoạt động xuyên biên giới, người kinh doanh trên mạng có trong và ngoài nước, quy mô rất khác nhau. Do đó, để thu được thuế bán hàng trên mạng này là hết sức phức tạp. Nếu không kiểm soát mà thu thuế người này, không thu người kia sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành TMĐT Việt Nam.
Quản lý và thu được thuế bán hàng qua mạng xã hội là việc không đơn giản Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng Việt Nam chưa có luật về thu thuế bán hàng trên mạng xã hội, không quản được mạng này vì chủ quản ở nước ngoài thì làm sao có thể thu được thuế. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân ở ngước ngoài nhưng bán hàng trên Facebook cho người ở Việt Nam thì làm sao thu thuế người bán. Nếu muốn thu thuế công bằng thì cần phải thu được cả cá nhân, doanh nghiệp (DN) trong và nước ngoài nhưng việc này không dễ thực hiện.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng ATHENA TP HCM, nhìn nhận: “Thu được thuế bán hàng qua Facebook là rất khó. Có rất nhiều tình huống mà cơ quan thuế sẽ phải giải quyết. Chẳng hạn, rất nhiều DN, cá nhân bán hàng trên mạng xã hội. Nếu muốn thu thuế, cơ quan thuế phải xây dựng đội ngũ nhân lực rất lớn để thường xuyên giám sát, xác định đối tượng thu. Nếu chỉ có TP HCM thu thuế, người kinh doanh sẽ chuyển sang nơi khác hoạt động…”.
Nhiều sở, ngành vào cuộc
Cục Thuế TP HCM đang phối hợp Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng, ngân hàng, bưu điện… để nắm thông tin hoạt động kinh doanh qua mạng internet trên địa bàn, đồng thời soạn thảo kế hoạch phối hợp nhằm chống thất thu thuế đối với loại hình thương mại này.
Sở Công Thương cho biết trên địa bàn hiện có khoảng 80.000 website hoạt động theo hình thức TMĐT, trong đó hơn 1/2 hoạt động ổn định từ 2 năm trở lên nhưng chỉ hơn 6.000 website có đăng ký thông tin với Bộ Công Thương. Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Công Thương, Cục Thuế và Sở Thông tin và Truyền thông đã họp bàn về quản lý TMĐT. Sở Công Thương đã cung cấp toàn bộ dữ liệu về các website TMĐT trên địa bàn cho Cục Thuế. Theo quy định hiện hành, các website có hoạt động TMĐT phải đăng ký với Bộ Công Thương và Bộ Công Thương nắm dữ liệu đăng ký này. Để phối hợp rà soát hoạt động các website TMĐT trên địa bàn TP HCM, Sở Công Thương đóng vai trò trung gian, xin dữ liệu từ Bộ Công Thương rồi chuyển cho Cục Thuế và tiếp nhận đề nghị, yêu cầu phối hợp từ Cục Thuế chuyển cho Bộ Công Thương hỗ trợ. Riêng việc thu thuế đối với hoạt động bán hàng trên Facebook, phương án là sẽ sàng lọc các chủ tài khoản có hoạt động kinh doanh, mua bán trên mạng xã hội này, chỉ quản lý thuế đối với những trang có phát sinh doanh thu thường xuyên và phát sinh thu nhập chịu thuế.
Vi phạm sẽ bị truy thu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho rằng các tổ chức, cá nhân bán hàng qua mạng là kênh giao dịch tiện lợi cho người kinh doanh lẫn người tiêu dùng, phù hợp xu hướng hiện nay. Do đó, cơ quan thuế yêu cầu người thường xuyên kinh doanh hàng hóa qua mạng phải có trách nhiệm đăng ký, kê khai thu nhập để nộp thuế theo quy định. Khi rà soát, kiểm tra cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng có thu nhập chịu thuế nhưng không tự giác kê khai, cơ quan thuế sẽ truy thu và xử phạt theo quy định; đồng thời yêu cầu cá nhân, tổ chức đó đăng ký kinh doanh hàng hóa qua mạng…
Theo bà Hương, Cục Thuế TP đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch thu thuế bán hàng qua mạng. Sau đó, mời các cơ quan, ban ngành liên quan góp ý kiến cho dự thảo. “Nếu các đơn vị liên quan thống nhất, Cục Thuế có thể ký kết quy chế phối hợp với họ. Còn không, cơ quan thuế sẽ trình kế hoạch phối hợp cụ thể để UBND TP ban hành. Lúc đó, giá trị pháp lý sẽ mạnh hơn và khi cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin thì các đơn vị phải có sự phối hợp, không được né tránh. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được trình trong tháng 4-2017” - bà Hương nói.
Về cơ chế phối hợp, bà Hương cho biết cơ quan thuế phải phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cấp cao hơn để lấy thông tin của các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động trang web; phối hợp với Sở Công Thương để biết có bao nhiêu tổ chức đăng ký hoạt động kinh doanh, hoạt động TMĐT. Trên cơ sở đó, Cục Thuế sẽ rà soát và xem có bao nhiêu DN đã đăng ký thuế. DN nào chưa đăng ký với cơ quan thuế sẽ được mời đăng ký. Còn các nhà mạng, bưu điện… sẽ cung cấp thông tin về một cá nhân hay tổ chức có hợp đồng kinh doanh qua các nhà mạng hoặc qua bưu điện rồi đối chiếu xem các DN đó có kê khai nộp thuế đầy đủ hay chưa. Ngoài ra, cơ quan thuế còn phối hợp với các ngân hàng để biết hoạt động thanh toán qua ngân hàng, sau đó đối chiếu để xác định người bán hàng qua mạng kê khai đầy đủ không.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề thu thuế đối với hoạt động bán hàng trên mạng được các cơ quan nhà nước đưa ra bàn. Cách đây vài năm, thông tin bán hàng trên Facebook và các trang mạng xã hội sẽ bị đánh thuế đã làm xôn xao cộng đồng mạng.
Cần chống thất thoát các nguồn thu lớn Xung quanh việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, trong đó có bán hàng trên Facebook, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng theo Luật Quản lý thuế năm 2006, bất kể DN hay cá nhân dù có đăng ký kinh doanh hay không nếu có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập đến mức chịu thuế thì có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp thuế. Với mạng xã hội, người tham gia Facebook có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Có ý kiến cho rằng chính quyền cần xem xét lại tính hiệu quả của việc thu thuế từ kinh doanh trên Facebook. Thay vì tính tới chuyện tận thu thuế của những người buôn bán nhỏ trên Facebook, ngành thuế nên tập trung giảm thiểu tỉ lệ thất thoát thuế từ những nguồn thu lớn. Còn đối với hoạt động TMĐT, cần rà soát, quản lý thu nhập phát sinh từ website của các công ty bán hàng trên mạng. Có những trang mạng bán hàng online nhưng giao dịch chủ yếu là offline, rất khó tách bạch rạch ròi giữa doanh thu online và offline dẫn đến cơ quan quản lý bỏ sót đối tượng này. |