Thu thuế bán hàng online: Cơ quan thuế quyết làm
Dù cơ quan thuế đã gửi thư mời, nhắn tin cho các chủ tài khoản kinh doanh, bán hàng trên mạng xã hội, nhiều nhất là Facebook nhưng số lượng chủ tài khoản đến kê khai thuế lại rất ít so với con số hơn 26.000 tài khoản đã được hai cục thuế Hà Nội và TP.HCM “tóm” được.
Các chuyên gia cho rằng cơ quan thuế nên tập trung quản lý thu thuế những “ông lớn” doanh thu cao hoặc lợi dụng kinh doanh, bán hàng trên các trang mạng xã hội để trốn thuế, không nên để cả bộ máy cơ quan thuế phí sức thu thuế các cá nhân, hộ kinh doanh “cò con”.
Nhiều chủ tài khoản bặt vô âm tín
Hiện tại cả hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đã triển khai việc thu thuế đối với những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán hàng online. Theo đó các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… sẽ phải tiến hành kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình đối với cơ quan thuế. Chúng tôi trở lại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP.HCM sau gần một tháng cơ quan thuế này gửi thư mời các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội đến kê khai thuế nhưng đến nay số lượng tài khoản đến làm việc rất ít, lác đác. Các chi cục thuế khác cũng chung cảnh ngộ.
Theo ông Trương Ngọc Hiệp, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, từ đầu tháng 6 đến nay số lượng cá nhân kinh doanh trên mạng đến kê khai thuế không nhiều, nhiều chủ tài khoản vẫn bặt vô âm tín. Cũng theo ông Hiệp, khó có thể khiến các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng lộ diện.
“Nguyên nhân là các chủ tài khoản kinh doanh trên các trang mạng xã hội thường để thông tin không đúng, địa chỉ không rõ ràng. Ngoài ra cũng có thể các chủ tài khoản này kinh doanh nhỏ lẻ, không thường xuyên, họ không muốn đăng ký hộ kinh doanh, không có ý định kê khai nộp thuế nên họ không đến” - ông Hiệp chia sẻ.
Là người đến theo lời mời của chi cục thuế, anh Nguyễn Thành, chủ tài khoản Kinh doanh hàng giá rẻ trên Facebook, cho biết việc cơ quan thuế mời đến hướng dẫn kê khai nộp thuế khi bán hàng trên mạng là chuyện bình thường đối với những cá nhân đã đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, anh Thành cũng tiết lộ đối với các cá nhân chưa đăng ký hộ kinh doanh thì rất khó để họ lộ diện.
Một chủ tài khoản kinh doanh mỹ phẩm trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và cả YouTube dù nhận được thư mời của cơ quan thuế nhưng vị này lại không đến.
Yêu cầu chúng tôi giấu thông tin, chủ tài khoản này chia sẻ: “Nguyên nhân tôi không đến gặp cơ quan thuế là vừa mới kinh doanh trên mạng một thời gian, doanh thu không lớn thì “bị” cơ quan thuế mời đến trong khi một số người bạn của tôi kinh doanh trên mạng rất bài bản, từ phát trực tiếp thử sản phẩm đến thuê đơn vị viết quảng cáo…, doanh thu lớn hơn thì lại không “bị mời””.
Ngày càng có nhiều người mua, bán hàng qua mạng. Ảnh: HTD
Quyết tâm thu thuế
Dù cơ quan thuế phải rơi vào tình cảnh… “ôm cây đợi thỏ” gần tháng nay để chờ các cá nhân, hộ kinh doanh trên mạng tới làm việc, nhưng theo chỉ đạo mới đây của Tổng cục thuế sẽ vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp để thu nguồn thuế này.
Ông Trương Ngọc Hiệp, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, cho biết đến ngày 30-6 tới, các cơ quan thuế có nhiệm vụ thu thập thông tin, tập hợp lại để báo cáo với Cục Thuế TP.HCM. Nếu các tài khoản đã được mời đến làm thủ tục thuế mà không đến thì chi cục thuế vẫn mời tiếp, mời 2-3 lần mà chủ tài khoản này không đến thì chi cục thuế sẽ báo cáo với cục thuế có cách xử lý.
Theo ông Hiệp, do nhiều chủ tài khoản chưa được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ nên... ngại gặp cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ tích cực tuyên truyền người kinh doanh trên Facebook đến để được hướng dẫn đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký thuế; kê khai các mặt hàng kinh doanh, doanh thu bán hàng, phương thức thanh toán… để họ yên tâm chứ không phải đến sẽ bị thu thuế.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM, cho biết thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động cá nhân, hộ đăng ký kinh doanh kê khai nộp thuế.
Trước thực trạng các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng không đến kê khai thuế theo lời mời, Cục Thuế TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Bộ Công thương, Sở TT&TT, Bộ TT&TT; đơn vị quản lý các trang mạng xã hội (Facebook, Google, Apple Store...) hỗ trợ cung cấp danh sách các website, các tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.
Theo ông Thiện, mới đây Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có Văn bản số 2623/2017 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đề nghị Thanh tra giám sát NHNN hỗ trợ cung cấp bản sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử mở tại các NH thương mại ở Việt Nam, các tổ chức không phải là NH được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông... có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển của tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử.
“Theo văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế mà không chấp hành việc kê khai, nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan. cơ quan thuế sẽ phối hợp với các tổ chức có liên quan (các nhà mạng, cơ quan quản lý khác của Nhà nước...) ngăn chặn các giao dịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng có hành vi cố tình trốn thuế, chây ỳ nộp thuế” - ông Thiện cho hay.
27.000 là tổng số tài khoản có hoạt động bán hàng trên mạng xã hội, website được Cục Thuế TP.HCM và Hà Nội lọc ra để “triệu tập” hướng dẫn kê khai thuế. Cục Thuế TP.HCM lọc ra 13.469 tài khoản Facebook, website trên địa bàn TP có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Chi cục thuế 24 quận, huyện gửi thư mời tiếp xúc các chủ tài khoản này để tìm hiểu kỹ hoạt động kinh doanh cũng như phương án kinh doanh có lâu dài hay không, trên cơ sở đó vận động họ kê khai đăng ký thuế. Cục Thuế TP Hà Nội cũng gửi tin nhắn SMS tới 13.422 chủ tài khoản Facebook để hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế để tiến hành kê khai. |
Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang: Tốn công mà không hiệu quả Mọi cá nhân kinh doanh đều có nhiệm vụ đóng thuế là điều tất nhiên, nếu cá nhân kinh doanh bán hàng trên Facebook có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải đóng thuế. Cách làm của cơ quan thuế hiện nay đang làm đại trà, chính cách làm này khiến cơ quan thuế bỏ sức rất lớn nhưng hiệu quả thu được rất thấp. Đưa ra nhiều biện pháp quản lý lớn quá, chưa kể phối hợp với các nước nhưng thương mại điện tử tại Việt Nam đại đa số còn nhỏ lẻ, nếu dùng dao mổ bò để mổ gà thì quá lãng phí trong khi hiện nay cần rất nhiều lực để cải cách ngành thuế. Như giải pháp kiểm tra tài khoản giao dịch qua NH, khó thực hiện vì NH bảo vệ bí mật khách hàng nên họ phải tuân thủ nguyên tắc này. Giải pháp nữa mà Tổng cục Thuế đưa ra là tập hợp thống kê thu nhập của tài khoản bán hàng trên mạng thông qua các công ty giao nhận cũng khó làm được. Vì tương tự, đề nghị cung cấp khách hàng thì cũng khó được các công ty giao nhận vận chuyển này chấp nhận, chưa kể khó xác minh. Hơn nữa hiện nay các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng thuê nhiều loại dịch vụ vận chuyển như Grab, thuê lao động giao hàng với giá rẻ hơn chứ không cần đến công ty giao nhận. Địa chỉ là không rõ ràng, họ kinh doanh không thường xuyên, có thể vài tháng họ kinh doanh trên mạng nhưng sau đó họ nghỉ thì khó thu thuế. Những giải pháp thu thuế qua NH, công ty giao nhận áp dụng cho các tài khoản bán hàng lớn, doanh thu cao thì hợp lý hơn. Cơ quan thuế nên tập trung quản lý, thu thuế những đơn vị kinh doanh trên mạng quy mô lớn thì dễ quản lý, còn các tài khoản “cò con” thì nên tuyên truyền, khuyến khích họ đăng ký kinh doanh. Chuyên gia thuế NGUYỄN THÁI SƠN: Quản “cá mập”, nới “cò con” Cơ quan thuế nên tập trung theo dõi mấy ông kinh doanh lớn trên mạng có doanh thu “cá mập”. Ngoài ra, thời điểm này cơ quan thuế nên “xử” một vài trường hợp kinh doanh trên mạng có doanh thu cao mà không đăng ký kinh doanh nộp thuế để “đe” những chủ tài khoản khác. Khi cơ quan thuế kiểm soát, thu thuế được các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng thì mới tác động lên các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng khác, dần dần hình thành ý thức đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế. Việt Nam cần phát triển hình thức giao dịch qua thẻ, hạn chế tiền mặt thì mới có thể quản lý được thông tin cá nhân, hộ kinh doanh, thu thuế cũng dễ dàng. Vì hiện nay người Việt vẫn có thói quen dùng tiền mặt là chủ yếu nên rất khó quản lý doanh thu và thu nhập của cá nhân kinh doanh thông qua mạng xã hội. M.LONG |
Anh TẤN TRUNG, chuyên bán thịt bò Mỹ nhập khẩu, các đặc sản miền Bắc: Bán hàng qua mạng chủ yếu lấy công làm lời Tôi lập website bán rươi, chả mực, trâu gác bếp, thịt bò Mỹ nhiều năm nay, hiện lập một tài khoản bán hàng trên Facebook lẫn Zalo thuận tiện, nhiều khách hàng hơn. Đây là nghề tay trái của mình để nâng cao thu nhập, khách hàng chủ yếu là bạn bè, người thân giới thiệu lẫn nhau. Mỗi ngày tôi kiếm lời khoảng 600.000-700.000 đồng, nếu tính mỗi tháng lời được khoảng 15 triệu đồng, tính ra thu nhập trên 100 triệu đồng, theo quy định của cơ quan thuế phải đóng thuế. Nhưng đấy là chưa tính công của tôi, chi phí bảo quản, đóng gói, tiền điện cũng tốn một khoản không nhỏ, tôi tự giao hàng, tiền xăng xe… Nếu kê khai ra các chi phí này thì thu nhập của tôi thấp dưới 100 triệu đồng, không phải đóng thuế. Chưa kể hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển từ ngoài miền Bắc vào TP.HCM, người kinh doanh phải chịu thiệt hại rất lớn. Thu nhập thấp thì mới phải kinh doanh bán hàng thêm trên mạng, phải lấy công làm lời, giao hàng ngoài giờ, nhiều khi đến khuya mới về nhà, tính lại thu nhập cũng chẳng bao nhiêu. Nay cơ quan thuế đòi thu thuế kinh doanh qua mạng mà đánh đồng kinh doanh quy mô doanh nghiệp với kiểu cá nhân nhỏ lẻ thì không công bằng, gây bức xúc cho người dân. Nhân viên đang giao hàng mua trên mạng tại TP.HCM. Ảnh: HTD Chị AN THÚY, quận Thủ Đức, TP.HCM: Kinh doanh không thường xuyên, thu thuế là bất hợp lý Có con nhỏ, kiếm không ra người giúp việc, tôi phải chấp nhận nghỉ việc để ở nhà chăm con. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, ngoài khoản thu nhập của chồng, tôi bán đủ loại sản phẩm trên Facebook từ hàng xách tay thực phẩm chức năng, sữa, giày dép, quần áo đến trái cây, cua, tôm, hải sản… Nhưng tháng làm tháng nghỉ, không thường xuyên, thu nhập thất thường. Dù không phải thuê mặt bằng nhưng chi phí bán hàng qua mạng cũng rất lớn, có nhiều chi phí phát sinh hơn như phải giao hàng tận nơi cho khách, nếu đến nơi khách không ưng ý lại phải mang về, coi như tốn công, mất sức. Kinh doanh qua mạng hôm có lời, hôm lỗ, không ai mua hàng, hàng hư hỏng, dập nát phải bồi thường coi như không công. Lẽ ra cần có cơ chế tạo điều kiện cho cá nhân kinh doanh trên mạng dạng nhỏ lẻ, quản lý những hộ kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng trên mạng chứ hở ra đã chực thu thuế thì còn ai dám kinh doanh. QH |