Thứ rau mọc dại bỗng đắt hàng vì chị em đua nhau mua, trổ tài làm bánh

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhu cầu làm bánh tại gia nở rộ nên rau khúc- một loại rau mọc dại bỗng trở thành nguyên liệu đắt hàng, khan hiếm, giá bán dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg, có nơi bán với giá 70.000 đồng/kg.

Rau khúc là rau dại, mọc tự nhiên ở ven sông, bờ ruộng. Trước đây, rau chủ yếu được lấy về làm thức ăn cho gia súc. Mặc dù loại rau này có nhiều tác dụng như làm thuốc, làm bánh nhưng giá trị của nó vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Rau khúc mọc dại có giá bán từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/kg

Rau khúc mọc dại có giá bán từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/kg

Thế nhưng, thời gian gần đây, loại rau dại này bỗng được ưa chuộng, săn lùng. Giá rau khúc cũng vì thế mà tăng lên từng ngày, thậm chí cháy hàng.

Chị Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong thời gian được nghỉ làm do dịch Covid-19, rất nhiều chị em đã tự tìm mua nguyên liệu để về làm bánh. Trong đó, không thể không kể đến rau khúc- loại rau “thần thánh”, nguyên liệu làm nên hương vị thơm ngon của chiếc bánh khúc.

Từ một loại cây mọc dại ở bờ sông, bờ ruộng, rau khúc bỗng trở nên đắt hàng. Đầu mùa, rau khúc có giá 15.000-20.000 đồng/kg, nay được bán với giá từ 30.000-60.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 70.000 đồng/kg. 

Rau khúc luộc lên sau đó giã nhuyễn, trộn với bột để bọc nhân bánh. Ảnh FB Hằng Nga

Rau khúc luộc lên sau đó giã nhuyễn, trộn với bột để bọc nhân bánh. Ảnh FB Hằng Nga

Rao bán rau khúc tươi trên các hội làm bánh, chợ chung cư, chị Huyền cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được gần 30kg rau khúc. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu mọi người tìm mua loại rau này nhiều nên việc tìm hái khó khăn hơn, như ngày hôm nay người nhà ở quê báo chỉ mót được hơn chục cân rau khúc.

“Lúc đầu tôi bán bánh khúc nhưng đăng lên thấy nhiều người muốn hỏi mua rau hơn mua bánh, nên tôi gom rau khúc ở quê lên để bán”, chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, làm bánh khúc mà thiếu rau khúc thì không thể thơm ngon được. Mùa rau khúc chỉ kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Rau gần hết mùa nên nhiều người tranh thủ đặt mua một lúc 2-3 kg cấp đông để dùng quanh năm. Rau khúc có thể bảo quản bằng cách luộc qua sau đó vắt khô nước và cho vào ngăn đá. Nếu dùng rau khúc tươi sẽ thơm ngon hơn so với bột khô hoặc lá khúc khô. 

Cũng đang rao bán rau khúc trên chợ online, chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên chị bán loại rau này. Thấy mọi người đổ xô tìm mua rau khúc nên chị nhờ người nhà ở Hưng Yên gửi lên Hà Nội bán. Cứ khoảng 2 ngày chị lại gom 1 lần, mỗi lần khoảng 50kg. Trong đó bán cho khách sỉ hơn một nửa, còn lại chị bán cho khách lẻ.

Bánh khúc làm từ rau khúc đem đến hương vị thơm ngon, đặc trưng. Ảnh FB Thu Anh

Bánh khúc làm từ rau khúc đem đến hương vị thơm ngon, đặc trưng. Ảnh FB Thu Anh

“Rau khúc đã bước vào cuối mùa, nếu trời nắng lên là hết. Muốn hái được nhiều rau khúc phải đi xa và phải biết nơi nào có nhiều chứ không phải ai cũng tìm thấy. Rau này chúng tôi hái ở bãi nên rất sạch”, chị Hà cho hay.

Cũng theo chị Hà, rau khúc nếp làm bánh sẽ thơm và ngon hơn nhưng hiện tại rau khúc nếp khan hiếm, khó tìm. Trên thị trường hầu như chủ yếu là rau khúc tẻ. Rau khúc nếp cây khá nhỏ, có màu bạc trắng ở thân, lá nhỏ hơn khúc tẻ. 

Rau khúc khi hái về đem rửa sạch, luộc lên sau đó giã nhuyễn hoặc xay rồi trộn với bột nếp cộng với bột tẻ theo tỉ lệ 9:1 để làm “áo khoác” cho bánh khúc. Đây mới chỉ là một công đoạn của làm bánh khúc. Ngoài ra còn phải làm nhân bánh bằng cách đồ đậu xanh; phi thơm hành với thịt ba chỉ, mắm, tiêu. Sau đó, lấy bột bánh khúc bọc nhân lại, hấp khoảng 1h cho đến khi bánh chín.

Chính vì làm bánh khúc khá cầu kỳ, nhiều công đoạn nên ngoài bán lá khúc tươi, hiện nay nhiều người còn bán cả bột bánh đã trộn sẵn với lá khúc xay. Khách mua về làm bánh khúc sẽ nhanh và tiện hơn với giá từ 50.000- 60.000 đồng/kg bột bánh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN