Thủ phủ thanh long khát cháy
Để cứu những trụ thanh long đang cho trái, người dân Bình Thuận phải chấp nhận mua nước giếng với giá cao hoặc kéo nước sinh hoạt ra vườn
Trong cơn hạn hán quay quắt của miền Trung, nhiều tháng liền, người dân Bình Thuận không có nước tưới thanh long. Nước sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm.
Hơn một tháng nay, chiếc xe ben cải hoán của anh Nguyễn Quốc Việt luôn chạy hết công suất để kịp đáp ứng những cuộc điện thoại gọi tiếp nước cho các vườn thanh long tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nước được anh Việt mua từ giếng khoan của một hộ dân trong xã, bơm vào thùng phuy loại 5 m³ đem bán cho các vườn "giải cứu" thanh long đang khát. "Giá mỗi phuy nước mua vào khoảng 50.000 đồng, tôi bán lại cho các vườn thanh long 150.000 - 170.000 đồng, tùy khoảng cách gần hay xa. Mấy ngày này, xe chạy suốt từ sáng đến chiều tối mới nghỉ nhưng ngày nào cũng "rớt" lại vài địa chỉ không giao kịp" - anh Việt vừa nói vừa vội tắt vòi nước đang bơm lên xe rồi nổ máy, chở nước đi giao.
Anh Nguyễn Quốc Việt đang bơm nước cho vườn thanh long 5.000 trụ của anh Đinh Văn Thanh
Băng qua nhiều con đường đất đá lởm chởm dài hơn 3 km, chiếc xe của anh Việt dừng lại tiếp nước cho một vườn thanh long ven đồi thuộc thôn Tà Mon, xã Tân Lập. Anh Đinh Văn Thanh, chủ nhân vườn thanh long cho biết 5.000 trụ thanh long của gia đình anh đang khát khô nhiều ngày nay. "Ưu tiên hiện tại là cứu 2.000 trụ thanh long đang cho trái nên dù giá nước cao cũng phải bấm bụng mua để tưới, mà cũng phải xếp hàng chờ mới có nước" - anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, trước đây, gia đình anh đã đào 7 cái giếng nhưng chỉ một cái có nước và lượng nước chỉ đủ sinh hoạt chứ không thể tưới tiêu. "Mỗi phuy nước 5 m³ chỉ đủ tưới 50 trụ thanh long đang cho trái hoặc 100 trụ có dây (không cho trái)" - anh Thanh tính toán. Phuy nước 5 m³ được đổ ào xuống cái ao rộng gần 1 sào của anh Thanh dùng để trữ nước tưới nhanh chóng thấm hết vào đất, không đọng lại chút nào trên bề mặt ao đang nứt nẻ vì khô cạn lâu ngày.
Cách Tân Lập hơn 30 km, nhiều nông dân tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng đứng ngồi không yên vì thanh long đang chín mà nước thì đã lâu không về. Hơn 1 tháng nay, con mương cái dẫn nước từ đập Đồng Để (xã Hàm Kiệm) về Hàm Mỹ cạn trơ đáy. Nhiều hộ phải cắn răng "chạy" nước sinh hoạt với giá cao ra ao trữ nước tưới rồi bơm ngược từ ao lên tưới thanh long. "Trước mắt, tôi bơm 50 m³ với giá khoảng 500.000 đồng để tưới thanh long đang chín, 1 tuần bơm 1 lần. Còn thanh long dây cũng cố gắng hơn 10 ngày tưới sơ qua một lần, nếu không tưới mà đợi đến mùa mưa thì cây mất sức lắm" - anh Nguyễn Văn Phúc, hộ dân trồng thanh long tại xã Hàm Mỹ, nói.
Đến cuối tháng 4, mực nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi tại Bình Thuận là 27,45 triệu m³, chỉ hơn 10% dung tích thiết kế và bằng 1/3 trung bình nhiều năm. Trong đó, hồ Tà Mon, nơi cấp nước cho khoảng 1.475 ha thanh long ở Tân Lập, đang cạn.
Nhiều địa phương trong tỉnh không còn nước để sản xuất, chỉ ưu tiên nước sinh hoạt trong khi nước sinh hoạt cũng đang thiếu trầm trọng. "Với lượng nước còn lại, chúng tôi ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt. Thời điểm này, bà con trồng thanh long không nên kích thích cây ra trái vì sẽ thiệt hại lớn do hạn hán" - ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, khuyến cáo.
Ngoài việc xử phạt gần 40 triệu đồng, lực lượng chức năng buộc chủ của 72 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn...
Nguồn: [Link nguồn]