Thu nửa tỷ mỗi năm nhờ "học lỏm" cách nuôi tôm
Anh Trần Đông Nam (37 tuổi), phường Đại Yên, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) – một nông dân trẻ đã vươn lên trở thành tỷ phú với mô hình nuôi tôm kết hợp với kinh doanh dịch vụ thuốc và thức ăn nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều năm khởi nghiệp với nhiều gian nan nhưng nhờ kiên trì, dám nghĩ, dám làm không ngừng cố gắng và học tập kinh nghiệm từ mọi người xung quanh hiện nay anh có thu nhập nửa tỷ/năm.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi trồng thủy sản, nhưng hồi đó bố mẹ anh nuôi trồng theo phương thức quảng canh. Vì vậy dù nuôi trồng với diện tích lớn, nhưng năng suất thấp và tôm hay bị bệnh. Chính điều đó đã khiến chàng trai trẻ không ngừng suy nghĩ và ấp ủ về một cách làm mới hơn.
Năm 2001, sau khi học xong lớp kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức, chàng thanh niên trẻ tuổi đã mạnh dạn thuê ao đầm bỏ không tại khu vực gần nhà để cải tạo nuôi tôm theo hướng bán thâm canh. Lúc đầu do còn ít kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật bị hạn chế nên mô hình nuôi tôm của anh không mấy khả thi. Không nản chí, sau một thời gian vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu tài liệu kỹ thuật nuôi tôm, đến năm 2010, anh Nam đã huy động nguồn vốn từ gia đình và vay ngân hàng 250 triệu đồng, vay thêm của người thân để đầu tư mua đất đào ao chuyển đổi 0,3ha sang nuôi tôm theo hướng thâm canh.
Anh Nam thường xuyên kiểm tra sự phát triển, cũng như kích thước của tôm.
Anh Nam chia sẻ: Trong điều kiện diện tích ao, hồ ở đô thị bị hạn chế, việc áp dụng nuôi tôm thâm canh là hướng đi phù hợp không chỉ tăng vụ nuôi mà còn tăng năng suất. Khác với nuôi bán thâm canh hay nuôi quảng canh như trước đây, trong quá trình thả nuôi tôm thâm canh phải đặc biệt chú ý đảm bảo xử lý nguồn nước sạch để tôm không bị bệnh. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi tiên tiến nên sản lượng tôm tăng cao.
Sau nhiều năm xắn tay vào làm, đồng thời học hỏi từ các “đàn anh” đi trước trong Nha Trang cộng với kinh nghiệm của bản thân, anh rút ra một điều đó là: Để nuôi tôm thành công có nhiều yếu tố quyết định như: con giống, môi trường nước, điều kiện thời tiết… Nhưng theo anh yếu tố tiên quyết, quyết định thành công trong nuôi tôm đó là môi trường nước. Môi trường sống là vô cùng quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển của tôm, và sự thành công trong nghề nuôi trồng thủy sản. Anh cho biết: Các ao nuôi tôm tại đây không nằm trong diện quy hoach nuôi tôm nên các hộ gia đình ở đây rất khó khăn trong việc thay nước, lấy nước. Vì vậy nếu không biết cách làm sạch, thì môi trường nước sẽ xuất hiện tảo xanh, gây bệnh về đường ruột trên con tôm. Đặc biệt, khi trời mưa nhiều, rồi chuyển sang nắng đột ngột sẽ tạo điều kiện cho tảo xanh phát triển, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa của tôm. Vậy nên đòi hỏi người nuôi trồng phải khống chế được tảo có hại, tảo xanh, tạo ra tảo có lợi: màu tràm, màu nâu, tôm sẽ phát triển rất tốt về hệ tiêu hóa. “Chỉ cần làm tốt về môi trường thì nhất định thành công”, anh Nam khẳng định.
Tôm tại ao nuôi chỉ mới thả được 1 tháng nhưng đã tăng mạnh về kích thước. Điều này cho thấy sự thành công trong sử dụng chế phẩm mới.
Năm 2012, sản lượng tôm gia đình anh thu được 4 tấn/2 vụ, đến nay sản lượng đã tăng lên đạt 6 - 7 tấn/2 vụ. Trừ mọi chi phí mỗi năm cho thu lãi 400 - 500 triệu đồng. Bên cạnh mô hình nuôi tôm hiện nay, anh Nam còn đầu tư kinh doanh dịch vụ thức ăn nuôi tôm cho thêm thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Anh cho biết, hiện nay gia đình anh đang sử dụng một loại chế phẩm sinh học có tên BKT do anh “học lỏm” được những người “đàn anh” cùng nghề trong miền Trung. Đó là một loại chế phẩm sinh học của Viện sinh học Pasteur Nha Trang. “Sản phẩm này, anh được một người bạn, một người anh em trong Nha Trang giới thiệu và hướng dẫn cách làm”. Chế phẩm BKT sẽ được pha với gỉ mật đường, cứ khoảng 12 tiếng là sục xuống ao.
Anh Nam giới thiệu chế phẩm sinh học BKT sau khi đã được pha với gỉ mật đường theo tỷ lệ phù hợp.
Anh Nam cho biết với những thử nghiệm ban đầu cho thấy cách làm này rất tốt, tạo ra tảo màu nâu. Đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học này cũng khá rẻ, không tốn nhiều chi phí mà môi trường ao nuôi tốt, tảo màu nâu phát triển giúp cho hệ tiêu hóa của tôm tốt về gan tụy và đường ruột. Anh Nam tin tưởng với môi trường nước tốt như hiện nay, chắc chắn vụ tôm tới của gia đình anh sẽ thành công và cho năng suất cao.
Công nhân tại ao nuôi của gia đình anh Nam thường xuyên kiểm tra màu nước để sục chế phẩm sinh học cho phù hợp.
Hiên nay anh đã hướng dẫn một số hộ gia đình sử dụng chế phẩm sinh học BTK mà gia đình anh đang dùng. Và bước đầu các hộ dân cũng đánh giá cao và tin tưởng và sản phẩm mà anh Nam giới thiệu. Đồng thời, anh còn hỗ trợ nhiều nông dân trong vùng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến khác vào các mô hình nuôi tôm và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm…