Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp không đi xin
Tích tụ đất đai, liên kết, chia sẻ lợi nhuận với nông dân, chính sách thu hút chưa tới, doanh nghiệp (DN) cần hỗ trợ, chứ không đi xin... là những phản ánh của DN tại “Diễn đàn phát triển DN nông nghiệp”, do Ban Kinh tế TƯ tổ chức tuần qua.
Áp dụng sản xuất nông nghiệp thông minh giúp nông dân ĐBSCL khắc phục hạn mặn, tăng giá trị gia tăng.
Để đất lãng phí hay tích tụ
Chia sẻ cách làm ăn tại diễn đàn, có lẽ ông Nguyễn Thễ Hà, Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ đang “thắp sáng” niềm tin với nông dân trồng lúa. Chỉ tay về tiêu đề của diễn đàn, ông nói rằng, nông thôn mới chính là tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tăng chất lượng để cạnh tranh và làm cho nông dân giàu lên. Còn mười mấy chỉ tiêu nông thôn mới đưa ra, chỉ có xài ngân sách mà thôi.
“Hôm nay vui, nhưng cũng rất buồn là vì cái máy gặt đập liên hợp in trên bìa (tài liệu hội thảo) là máy Trung Quốc thì chúng tôi đã “đuổi” ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rồi. Chúng ta hoàn toàn phát triển nền nông nghiệp khi ta tự tin và ước mơ”- phát biểu của ông Hà khiến hội trường phấn khích.
Ông Hà cho hay: “Các anh bảo không liên kết được với nông dân? Tôi bảo tôi làm được, vì tôi làm cho họ giàu. Nông dân làm ra 1kg gạo phải mất 4.738 đồng, nhưng tôi giúp họ chỉ mất 2.622 đồng/kg mà thôi, như thế họ làm có lời”- ông Hà nói.
Bằng cách nào? Ông Hà cho biết, ông san bằng mặt ruộng bằng công nghệ laser, đưa nông nghiệp thông minh vào để tiết kiệm nước; giảm 50% phân ure… Từ đó, có thể không cần 5.000 lít nước/kg lúa, mà chỉ cần dưới 1.000 lít/kg, như vậy sẽ chống hạn mặn, không lo biến đổi khí hậu…
Còn ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Lam Sơn cho biết, mô hình liên kết giữa DN với nông dân, nhà khoa học, ông đã triển khai thành công từ những thập niên 90 đến nay ở Thanh Hóa.
Ông Tam cho rằng, Nhà nước có nhiều chính sách cho nông nghiệp, nhưng chưa tới. Muốn sản xuất hàng hoá lớn, giá trị cao nhưng đang “tắc” ở chỗ sản xuất còn nhỏ lẻ, manh bún, nhà ai biết nhà nấy. Do vậy, cần chính sách tích tụ ruộng đất, vì nếu để nông dân bỏ ruộng nhiều là lãng phí. Theo ông Tam, Nhà nước hỗ trợ DN như thuế, lãi suất...có lộ trình và phải theo cơ chế hoàn trả, chứ không thể cho không.
Còn bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng, nói đến nông nghiệp là nông dân và đất. Hiện đất nhiều nơi bỏ hoang, và trong đó đất nông lâm trường đang phát canh thu tô, hiệu quả thấp. Việc có chính sách để “gỡ” đất đai cho DN, họ sẽ không bỏ nông dân và đưa nông dân tham gia trong chuỗi.
Ngân hàng có thể hỗ trợ vốn
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam là “đại gia” về xuất khẩu nông sản nhưng chỉ khoảng 30 tỷ USD/năm, nhưng thế giới tiêu dùng thực phẩm mỗi năm tới 15.000 tỷ USD. “Bầu trời khai thác nông nghiệp là vô tận”- ông Thành nói.
Theo ông Thành, cần có những DN tiên phong như Vingroup, HAGL…thì nông nghiệp mới “cất cánh” được. “Nhưng DN tiên phong phải nắm được, chi phối được ở ba khâu là R&D (nghiên cứu và phát triển), làm thương hiệu và phân phối. Có DN nào làm được cả ba chưa, có lẽ chưa thấy?”- ông Thành nói.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cả nước 13 triệu hộ nông dân, với trung bình 0,3 ha/hộ, nên khó sản xuất lớn, đưa khoa học công nghệ, cơ giới vào. Và thực tế, thu nhập bình quân mới chỉ 24 triệu đồng/người/năm. Chưa kể, hạn mặn, rét đậm rét hại, bão lũ… đang ảnh hưởng đến tất cả các vùng trên cả nước.
Theo ông Cường, nếu không tổ chức lại sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp sẽ còn giảm nữa, trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 0,18% GDP. Bộ trưởng Cường cho biết, tới đây, ngành nông nghiệp sẽ có chính sách đầu tư, khai thác lợi thế 10 sản phẩm chiến lược quốc gia, có sức cạnh tranh quốc tế.
Cùng đó, sẽ ưu tiên khai thác sản phẩm đặc sản địa phương, chẳng hạn như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); nhãn lồng Hưng Yên; khai thác đặc sản vùng sinh thái theo kiểu “mỗi làng một sản phẩm” như ở Quảng Ninh.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình, chúng ta đặt mục tiêu sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, không thể lấy kinh tế hộ gia đình hạt nhân được, mà phải là HTX và doanh nghiệp. “Đất đai manh mún sẽ không sản xuất lớn, nên phải tích tụ ruộng đất, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho nông dân”- ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho rằng, muốn tái cơ cấu ngành thành công, có hai việc phải làm ngay, là tích tụ ruộng đất và phát triển HTX theo hình thức mới, chứ trước đây nghe HTX là “ớn xương sống”. Tuy nhiên, DN phải bỏ ngay tư duy xin cho, vì không bền vững, không hiệu quả. Nhà nước nếu cho là cho hạ tầng, trong sản xuất mà cho là không ổn. Còn vay ngân hàng có thể hỗ trợ lãi suất trong thời gian nhất định, tùy từng ngân sách trung ương, địa phương.