Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân "thủ phủ" hoa hồi thu bộn tiền

Sự kiện: Kinh Doanh

Cách thành phố Lạng Sơn khoảng hơn 30km, Văn Quan được coi là “thủ phủ” của hoa hồi. Vào mùa hồi chín, rừng tràn ngập những cánh hoa hồi, tỏa hương thơm ngào ngạt, đem lại sự ấm no cho người dân nghèo khó nơi đây.

Trên chuyến hành trình về với đất hồi, đường đi là những khúc cua, con đường khúc khuỷu, uốn lượn dọc hai bên đường màu xanh ngắt của những cánh rừng hồi và thoang thoảng hương hồi thơm dịu. Mùi hương như ranh giới đánh dấu rằng nơi đây là mảnh đất trồng hồi. Quãng đường di chuyển hơn 30 km không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh những mẻ hồi đang sấy hay hàng đoàn người đang tất bật công việc phơi hồi và đóng bao sau khi hồi đã được phơi khô. 

Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân "thủ phủ" hoa hồi thu bộn tiền - 1

Những người công nhân phơi hồi thuê luôn tất bật vận chuyển, cào xới hồi để có những mẻ hồi khô chất lượng và đẹp mắt nhất.

Anh Hứa Văn Thuận, cán bộ xã Vĩnh Lại (huyện Văn Quan) cho biết: “Hồi là loại cây thân gỗ, phải mất nhều năm trồng và chăm sóc mới cho thu hoạch. Từ xưa đến nay, người dân ở đây đều sống dựa vào cây hồi. Cả xã đất nông nghiệp chỉ có khoảng 1.500ha, diện tích trồng hồi đã chiếm tới gần 1.000 ha, trong đó diện tích thu hoạch là hơn 800 ha. Năm nay, hồi được mùa với sản lượng đạt khoảng hơn 1.000tấn/vụ, được giá nên đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Nhờ diện tích rừng hồi lớn mà nhiều hộ đã thu về từ vài chục đến gần trăm triệu đồng/năm. Đáng nói hơn, trên 90% sản lượng hồi ở đây được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, và một số nước khác.

Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân "thủ phủ" hoa hồi thu bộn tiền - 2

Với thù lao 200.000 đồng/ ngày, nhiều thanh niên trong vùng cũng có thu nhập khá vào mùa phơi hồi thuê.

Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân "thủ phủ" hoa hồi thu bộn tiền - 3

Mùa nông nhàn các bà, các chị tranh thủ nhặt hồi khô thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Theo chân anh Thuận chúng tôi đến thăm gia đình chị Hứa Thi Yến, thôn Nà Pò, một hộ gia đình có diện tích rừng hồi khá lớn và lâu năm nhất. "Nơi đây còn nghèo lắm, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào ruộng nương và rừng hồi. Năm nay hồi được giá, được mùa nên mỗi nhà cũng có thêm thu nhập. Hái hồi cũng vất vả lắm, mỗi ngày chỉ hái được nhiều nhất 40-50 kg, bán với giá 10.000- 12.000/kg; trung bình được 500.000- 600.000 đồng/ngày. Cũng nhờ cây hồi mà nhiều gia đình ở đây có đủ cơm ăn, áo mặc, có thêm chút vốn để phát triển kinh tế" - chị Yến cho hay.

Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân "thủ phủ" hoa hồi thu bộn tiền - 4

Đôi tay nhanh thoăn thoắt nhưng ngày nhiều nhất cô Yến cũng chỉ hái được 60kg hồi tươi vì hồi có thân khá thẳng, cành bé nên hầu hết phải bắc thang để trèo.

Chị Trần Thu Đông, một lái buôn hồi tươi mang về phơi khô tại khu vực phố Điềm He, xã Văn An, Văn Quan, Lạng Sơn cho biết: "Năm nay hồi được mùa, giá bán cao. Có một chút tiền vốn nên tôi quyết định đầu tư mua hồi về phơi. Tôi bắt đầu thu mua từ tháng 10 (âm lịch) đến nay cũng phơi được khoảng 5 – 6 tấn hồi khô. Hồi tươi lúc mua vào có giá 12.000 đồng/kg, sau khi phơi khô có giá 49.000 – 50.000 đồng/kg. Phơi khô xong sẽ có thương lái về thu mua để xuất bán sang Trung Quốc".

Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân "thủ phủ" hoa hồi thu bộn tiền - 5

Những quả hồi căng mọng tinh dầu, có mùi thơm dễ chịu mới hái từ rừng về.

Hiện tổng diện tích hồi ở Lạng Sơn có khoảng 35.000ha, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, huyện Văn Quan là “vựa” hồi lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn với gần 10.000ha, sản lượng trung bình khoảnng 6.000 tấn/năm. Năm 2007, chỉ dẫn địa lý hoa hồi Lạng Sơn được bảo hộ và trở thành tài sản quốc gia, thị trường hồi mới khởi sắc. Đặc biệt, cuối năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đã hoàn thành xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn tại châu Âu. Điều này giúp khẳng định thương hiệu và tránh sự xâm phạm quyền đối với sản phẩm hồi ở ngoài nước.

Thơm ngào ngạt, quả sai lúc lỉu: Dân "thủ phủ" hoa hồi thu bộn tiền - 6

Hồi sai trĩu cành cùng với giá cả ổn định nên nhiều bà con trong vùng quê nghèo này dần có cuộc sống khá hơn.

Để giữ vững thương hiệu hồi, huyện, xã thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho bà con. Đặc biệt, mới đây, Công ty Quế Hồi đã vận động bà con trong xã thành lập các nhóm sản xuất cây hồi hữu cơ. Đồng thời, tìm mặt bằng để mở một hợp tác xã sản xuất và chế biến loại quả  hoa (quả) quý này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chang Liễu (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN