Thời trang thay “mốt” khuyến mại

Nếu như trước đây các hãng thời trang chỉ giảm giá 1 năm vài đợt thì hiện nay các đợt giảm giá, khuyến mại đang kéo dài suốt 4 tháng kể từ sau tết. Thậm chí, một số hãng thời trang không ngần ngại học theo “mốt” của các công ty bán hàng đa cấp.

Khuyến mại kiểu bán hàng đa cấp

Nếu như trước Tết Nguyên đán, mỗi buổi tối trên những con đường tập trung nhiều cửa hàng thời trang như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ... trong các cửa hàng luôn đông nghịt người chọn lựa, mua sắm, thì sau Tết, không khí này thay đổi hoàn toàn. Những cửa hàng thời trang trở nên vắng ngắt, hàng hóa tồn đọng và ít có các mẫu mới.

Để cải thiện sức mua, các tên tuổi thời trang Việt lẫn thời trang hàng hiệu nước ngoài bắt đầu tung ra nhiều chiêu giảm giá. Các chương trình sale off diễn ra rầm rộ với đủ mức giảm giá từ 10-20%, thậm chí có nơi từ 50-70%. Một số thương hiệu nhận thấy chiêu giảm giá này vẫn chưa đủ sức công kích vào tâm lý của người mua nên bắt đầu tung ra nhiều chiêu mới.

Chẳng hạn như đối với nhãn hàng Blook, với hóa đơn mua hàng từ 700.000 đồng, khách hàng sẽ được giảm 10%, hóa đơn 1 triệu đồng trở lên sẽ được giảm 15%. Khi khách mua hàng, nhân viên của cửa hàng Blook rất chịu khó tư vấn lẫn nài nỉ khách mua vài sản phẩm để được khuyến mại.

Sau hàng loạt chương trình khuyến mại đón hè, NEM tung ra chương trình khuyến mại “Giàu vì bạn, sang vì vợ” áp dụng từ ngày 11-4 đến 30-6. Theo đó, khách hàng đầu tiên khi mua hàng với giá trị hóa đơn từ 3 triệu đồng sẽ nhận được phiếu quà tặng NEM trị giá 500.000 đồng và một “thư giới thiệu” để giới thiệu bạn bè, người thân đến mua hàng tại NEM. Thư giới thiệu này sẽ ưu đãi cho 10 người tiếp theo mang thư đến mua hàng.

Khi bạn bè hoặc người thân của khách hàng đầu tiên mang thư giới thiệu đến mua hàng với giá trị từ 3 triệu đồng trở lên sẽ được tặng ngay 2 phiếu quà tặng mỗi loại trị giá 500.000 đồng, trên thư giới thiệu sẽ được điền thông tin của các khách hàng này.

Sau khi có khách hàng thứ 10 đến mua hàng, công ty sẽ thông báo ngay tới khách hàng đầu tiên và người sở hữu bức thư đầu tiên sẽ được nhận một phiếu quà tặng trị giá 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các khách hàng mua sắm tại cửa hàng này còn được nhận coupon taxi có giá trị 100.000, 200.000 và 500.000 đồng khi lần lượt thanh toán hóa đơn có giá trị 2 triệu, 3 triệu và 5 triệu đồng.

Theo đại diện của hãng thời trang NEM, chương trình này nhằm khẳng định vị thế thương hiệu trong làng thời trang Việt cũng như để tri ân khách hàng. Song thực tế, ai cũng hiểu hình thức khuyến mại này tương tự như hình thức bán hàng đa cấp, vừa mang lại lợi ích cho khách hàng đầu tiên vừa gia tăng doanh thu cho công ty.

Các hãng thời trang hàng hiệu nước ngoài cũng nhanh tay tung ra hàng loạt chương trình để chạy theo thị trường. Khi mua sắm thời trang hàng hiệu, khách hàng thường nhận được thẻ thành viên. Mỗi khi có chương trình khuyến mại, thông tin sẽ được gửi ngay vào điện thoại của khách hàng. Để thay đổi “khẩu vị”, nhãn hàng Jeanswest tung ra chương trình khuyến mại cho sản phẩm thứ hai, thứ ba.

Cụ thể, mua sản phẩm thứ hai sẽ được giảm 10%/sản phẩm đó, sản phẩm thứ ba sẽ được giảm 15%. Thương hiệu Levis “tung chiêu” giảm giá 30% cho khách mua hàng với hóa đơn trên 5 triệu đồng, giảm giá 20% cho hóa đơn 3 triệu đồng. Nhãn hàng Jonh Henry cũng tung ra các chương trình khuyến mại giảm giá 20-30% liên tục nhiều đợt trong những tháng qua để kích cầu mua sắm.

Thời trang thay “mốt” khuyến mại - 1

Một gian hàng thời trang giảm giá

Chưa kích được sức mua

Hiện nay các hãng thời trang liên tục tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại trong năm, mỗi đợt kéo dài gần cả tháng. Điều này đã phần nào nói lên tình cảnh khó khăn chung của thị trường.

Một nhân viên bán hàng của Jeanswest tại Parkson than thở: “Dù các chương trình khuyến mại được đưa ra nhưng từ sau Tết đến nay, khách hàng chỉ đến xem nhưng không mua, lượng hàng bán ra không nhiều, doanh thu sụt giảm mạnh”.

Đây cũng là tình trạng chung của những thương hiệu thời trang khác tại các trung tâm thương mại. Để kích cầu tiêu dùng, các trung tâm thương mại thiết kế những chương trình bán hàng giảm giá “khủng” vào một số thời điểm trong ngày nhưng cũng không cải thiện được sức mua bao nhiêu.

Các trung tâm thương mại chỉ còn được biết đến như một khu vui chơi, giải trí hấp dẫn trong những ngày nắng nóng còn nhu cầu mua sắm ngày càng hạn hẹp. Trong khi đó, các cửa hàng thời trang bên ngoài dù treo đầy băng rôn khuyến mại đủ màu nhưng cũng rơi vào tình trạng lưa thưa khách.

Theo phân tích của một giám đốc kinh doanh ngành thời trang, thông thường vào các dịp giao mùa, lễ, tết, những thương hiệu cao cấp phải tung ra mẫu thiết kế mới với một số lượng nhất định theo dự đoán. Khi tung ra, có dòng sản phẩm hút khách, dòng sản phẩm tồn đọng.

Các dòng sản phẩm tồn đọng thường được bán giảm giá để tiêu thụ hết. Nhưng hiện nay, do sự sụt giảm mạnh về sức mua trên thị trường suốt 4 tháng qua nên các công ty đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mại hòng cứu vãn tình thế. Nắm bắt tâm lý khách hàng đã “ngán” những chiêu giảm giá do sản phẩm này thường bị tâm lý hàng cũ, đã lỗi thời nên các hãng thời trang đưa ra nhiều cách thức mới để bán được nhiều sản phẩm mới, chấp nhận sụt giảm lợi nhuận.

Tuy vậy, giá thời trang cao cấp có giảm nhưng vẫn còn cao so với thu nhập trung bình của người tiêu dùng nên trong vòng 4 tháng qua, thị trường chưa ghi nhận được những dấu ấn thay đổi và người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu đối với các khoản làm đẹp.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Lam - Đỗ Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN