Thời công nhân nhàn như công chức
Trước kia, phải tăng ca đến mờ mắt, làm thêm cả ngày chủ nhật thường là nỗi ám ảnh của hầu hết công nhân thì nay, hàng loạt công nhân đang rơi vào thời kỳ “làm giờ công chức” do doanh nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, tồn kho tăng cao.
Thèm được tăng ca
Anh Ngọc Dũng, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 than thở: "Nhiều tháng nay, công nhân tại công ty lúc nào cũng trong tình trạng "đói" việc, giờ tăng ca đã bị cắt giảm, có tháng, công nhân tại các xưởng còn phải nghỉ luân phiên vì không có việc. Bây giờ chỉ mong việc nhiều để được tăng ca thường xuyên như trước".
Anh Đức nhân viên phòng thiết kế của công ty này cho biết thị trường ô tô, xe máy đang dần "chết yểu", sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, các DN cung cấp linh kiện theo đó cũng chờ chết. Nhân viên như anh có tháng còn phải cắt phép luân phiên 10 ngày một thì công nhân lấy đâu ra việc mà làm.
"Mới đây, có một số công ty lắp ráp ô tô còn cho công nhân nghỉ hai lần, mỗi lần 2 tuần vì hàng tồn kho quá nhiều, thị trường tiêu thụ đang đóng băng chưa có dấu hiệu hồi phục", anh Đức cho biết thêm.
Chưa đến nỗi phải cho nghỉ luân phiên nhưng nhiều DN từ đầu năm tới giờ việc thông báo làm thêm vào cuối tuần không còn xuất hiện, tăng ca vào các ngày trong tuần từ đó cũng dần thưa thớt đi. Có DN còn chấm dứt hẳn chuyện tăng ca, chỉ sản xuất cầm chừng để giữ chân công nhân.
Chị Khổng Thu Mận công nhân tại Công ty TNHH Jawa Vina (KCN Khai Quang, Vĩnh Phúc) cho biết từ đầu năm đến giờ, hầu hết công nhân ở đây đều làm theo kiểu giờ công chức, ngày làm đúng 8 tiếng, mỗi tháng cắt phép năm một lần chứ không có chuyện tăng ca đến mờ mắt rồi làm thêm ngày cuối tuần như trước nữa.
"Bây giờ công ty nào cũng cắt giảm giờ làm, công nhân muốn tăng ca cũng chẳng được. Nhớ chuyện trước đây, nói đến làm thêm ngày chủ nhật là mọi người phải đối ghê lắm, giờ cả tháng mới phải làm tăng ca vài giờ, chưa bằng 1/10 giờ làm thêm so với trước. Không được làm thêm, giờ làm chính cũng bị cắt giảm kéo theo thu nhập hàng tháng giảm sút, một số công nhân đã bỏ việc vì chán cảnh làm không đủ tiêu", chị Thu Mận chia sẻ.
"Cứ 5h chiều hàng ngày, đi ngang qua KCN sẽ thấy cảnh công nhân tan ca của hầu hết các công ty đổ ra đường đông như ong vỡ tổ. Cảnh này trước đây hiếm lắm vì công nhân làm hết giờ hành chính thường phải tăng ca tới gần 8h tối mới được về", chị Thu Mận khẳng định.
Tương tự, chị Ngô Thị Trang công nhân của một công ty điện tử tại Bắc Ninh cho biết thời gian này đi làm nếu có việc gia đình làm đơn xin nghỉ vài ba ngày là được chấp nhận luôn chứ không như trước đây, muốn xin nghỉ phải viết đơn trước cả tuần rồi còn xem xét. Được chấp nhận cũng chỉ nghỉ được 1 - 2 ngày là cùng.Giờ công nhân có xin nghỉ nửa tháng cũng chẳng có vấn đề gì.
"Nhiều công nhân khác cũng như chính bản thân chị đang chán nản vì gần nửa năm này toàn phải làm theo giờ công chức chứ không tăng ca hay làm thêm cuối tuần gì nữa. Công nhân mà không cho tăng ca thì tiền lương cơ bản mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng làm sao đủ sống", chị Trang ngán ngẩm.
Được tăng ca giờ là mơ ước của nhiều công nhân
Bỏ nhà máy, ra chợ cóc kiếm ăn
Bị cắt mất giờ tăng ca rồi bi đát hơn là có những tháng, một số DN "đói" đơn hàng còn cho công nhân nghỉ cả nửa tháng trời không lương khiến thu nhập hàng tháng của họ bị giảm đi phân nửa. Không bỏ việc nhưng để sống được qua thời kỳ này, nhiều công nhân ngoài giờ làm tại công ty còn nai lưng đi buôn rau, phụ may kiếm thêm đầu ra đồng vào bù vào phần thu nhập bị hụt ở công ty.
Chị Nguyễn Thị Loan ở Sơn Dương (Tuyên Quang) làm công nhân tại KCN Quang Minh cho biết thu nhập hàng tháng giờ không còn được như trước. từ 4,2 triệu đồng này giảm xuống chỉ còn gần 3 triệu do không được tăng ca. Với mức thu nhập này thì vẫn đủ ăn nhưng không có tiền tích cóp gửi về quê.
Theo chị Loan, để số tiền gửi hàng tháng về nhà vẫn đều đặn như trước, giờ cứ vào những tuần làm ca đêm, sáng sớm về nhà chị lại ra đồng lấy buôn một ít rau của người dân đem đi bán ở chợ cóc gần nhà trọ kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy rồi chiều về ngủ tối lại đi làm bình thường.
"Không được lời nhiều như dân buôn rau chuyên nghiệp nhưng mỗi buổi như vậy mình cũng kiếm được tiền cơm hàng ngày, coi như chi phí sinh hoạt đã được giải quyết chứ không phải ăn vào tiền lương nữa", chị Loan buồn kể.
Cùng cảnh "đói" việc ở công ty, thu nhập nhiều tháng nay bị giảm sút, chị Cao Thị Hương công nhân một công ty may tại KCN Khai Quang chia sẻ: "Lương tháng bị giảm 1/3 so với trước, tháng nào bị nghỉ luân phiên lương chỉ bằng 1/2 so với hồi trong tết, công việc giờ luôn bấp bênh không ổn định. Để không ảnh hưởng nhiều công nhân ở đây phải tính chuyện làm thêm những công việc khác. Mình cũng không thể tránh khỏi điều đó".
"Giờ ngày nào cũng như ngày nào, cứ tan giờ làm lại phải chạy qua các hiệu may tư nhân ở TP Vĩnh Yên phụ việc cho họ. Mỗi ngày như vậy cũng kiếm được thêm 50.000 đồng đủ tiền sống qua ngày. Tuy chỉ việc ngồi sửa lại những bộ đồ hợptheo ý của khách hay đính thêm phụ kiện vào những chiếc áonhưng thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm việc ở công ty đều bị "nướng" hết vào công việc làm thêm này. Đủ sống nhưng người lúc nào cũng mệt nhoài", chị Hương than thở.
Tuy nhiên, theo lời chị Hương, chị còn là một trong số những người may mắn bởi nghề may của chị còn dễ kiếm việc làm thêm chứ công nhân nhiều công ty khác đều bó tay chỉ biết "thắt lưng buộc bụng" vì không kiếm được khoản nào bù vào phần thu nhập bị giảm sút hàng tháng của mình.