Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dúi và chim bồ câu Pháp
Vừa tập trung phát triển kinh tế từ việc nuôi dúi, chim bồ câu Pháp, chị Bùi Thị Hà (55 tuổi, ở xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) vừa chia sẻ kinh nghiệm mô hình này cho các hộ dân khác để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chị Bùi Thị Hà bên mô hình nuôi dúi, chim bồ câu Pháp của gia đình.
Cách đây 4 năm, sau khi được Hội Nông dân xã Phượng Nghi đưa đi tham quan các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, chị Hà nhận thấy việc nuôi dúi và chim bồ câu Pháp là mô hình dễ nuôi, ít công chăm sóc. Sau khi tính toán, gia đình chị Hà đã đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 10 cặp dúi giống và 150 đôi chim bồ câu Pháp về nuôi.
Trong quá trình phát triển mô hình trên, gia đình chị Hà gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng loài dúi. Cụ thể như, đàn dúi mua về chỉ mấy hôm đã lăn ra chết. Khi tìm hiểu nguyên nhân, chị Hà mới biết đã nuôi dưỡng loài này với cách thức chưa phù hợp.
Không bỏ cuộc, chị Hà vừa bổ sung kiến thức, thực tiễn cách chăm sóc dúi, vừa huy động vốn, tiếp tục phát triển đàn dúi mới. Với nỗ lực học hỏi kỹ thuật, chăm sóc, sau 9 tháng, đàn dúi của gia đình đẻ lứa đầu tiên.
Chị Hà chia sẻ: Nắm bắt được những đặc tính của loài này thì sẽ có cách chăm sóc, nuôi dưỡng, chúng không bị ốm đau và phát triển nhanh.
Hiện nay, trang trại gia đình chị Hà có diện tích rộng 2.000m2 với 200 con dúi và 150 cặp chim bồ câu Pháp giống. Được biết, toàn xã Phượng Nghi có 7 mô hình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có gia đình chị Bùi Thị Hà nuôi dúi và chim bồ câu số lượng lớn. Hàng năm, mô hình kinh tế này mang lại lợi nhuận cho gia đình chị Hà gần 200 triệu đồng.
Theo chị Hà cho biết, dúi mẹ mang bầu 3 lần/năm, mỗi lứa sinh 2-4 con. Những tháng đầu năm 2024, gia đình Hà thu về hàng chục triệu đồng từ việc bán dúi. Từ nay đến cuối năm, gia đình chị dự tính bán ra thị trường hơn 1 tạ dúi thương phẩm và 50 cặp dúi giống. Mỗi cặp dúi giống có giá 1-1,2 triệu đồng. Dúi thương phẩm được bán với giá 500.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình chị Hà thì để nuôi dúi đạt hiệu quả cao, phải đảm bảo chuồng nuôi ít tiếng động, kín gió, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Thức ăn chủ yếu là thân cây tre, luồng, nứa, mía,...Quan trọng nhất là thức ăn không được để ôi thiu và không nhiễm nước mưa, nếu không may dúi khi ăn vào dễ bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, dúi là loài động vật có đặc tính gặm nhấm, ăn đêm ngủ ngày. Sáng sớm, chúng ta phải kiểm tra chuồng trại để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng.
Đối với việc nuôi đàn chim bồ câu Pháp, đến nay trang trại của gia đình chị Hà duy trì 150 đôi chim giống. Hàng năm, chị Hà bán ra thị trường gần 1.000 con chim thương phẩm với giá 65.000 đồng/con.
Chị Hà chia sẻ, chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi, ít bệnh. Tuy nhiên, việc vệ sinh chuồng trại rất quan trọng để tránh một số bệnh truyền nhiễm. Cho ăn đúng giờ giúp chúng sinh trưởng, phát triển tốt. Thức ăn chủ yếu là cám ngô và lúa trộn đều, ăn 2 lần/ngày. Các cặp đang nuôi chim non, cho ăn thêm mỗi ngày 1 lần.
Chim bồ câu Pháp có đặc tính sinh sản nhanh. Chim mái sau khi nuôi 5 tháng sẽ đẻ trứng, trung bình 4 ngày sẽ đẻ 2 quả trứng. Tại mô hình của gia đình chị Hà, vẫn để chim bồ câu Pháp ấp, nở và nuôi con tự nhiên.
Sau quá trình phát triển mô hình kinh tế trên, chị Hà nhận thấy, nuôi dúi và chim bồ câu Pháp không đòi hỏi nhiều về chi phí đầu tư ban đầu, thu hồi vốn nhanh. Mô hình này cho lãi gấp 4 lần so với làm đồi hiện nay. Thời gian tới, gia đình chị Hà sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn để cung cấp nhiều hơn ra thị trường. Gia đình chị Hà luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với mong muốn các hộ gia đình phát triển mô hình, tăng thu nhập, thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Khi tiết trời vào xuân kèm mưa phùn ẩm cũng là lúc những cây sau sau rừng đua nhau đâm chồi nảy lộc.
Nguồn: [Link nguồn]